|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NKG tăng 56% trong một tháng, lãnh đạo Nam Kim chỉ mua 1/2 số cổ phiếu đăng ký

21:19 | 16/12/2022
Chia sẻ
Phó Tổng Giám đốc Nam Kim đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu NKG, thực tế chỉ mua 1 triệu đơn vị.

Theo tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) Trần Ngọc Diệu đã mua 1 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ 18/11 đến 16/12, bằng một nửa số cổ phiếu đăng ký mua.

Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Lý do bà Diệu không mua hết số đã đăng ký là "diễn biến thị trường không thuận lợi".

Trong khoảng thời gian nói trên, giá cổ phiếu NKG tăng 55,8% từ mức 9.050 đồng lên 14.100 đồng/cp, một phần nhờ vào 7 phiên kịch trần hôm 18/11, 28/11 và các ngày 1, 2, 5, 8 và hôm nay 16/12. Tính theo giá đóng cửa gần nhất, Phó Tổng Giám đốc Trần Ngọc Diệu đã phải chi hơn 14 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Hiện tại, vốn hóa NKG đạt 3.712 tỷ đồng, thấp hơn 55% so với ngày đầu năm nhưng đã tăng 90,5% so với đáy hồi giữa tháng 11.

Cổ phiếu NKG hiện đang giảm 56% so với đầu năm nhưng tăng 91% so với một tháng trước.

Quý III năm nay, Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 4.424 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với quý III/2021. Giá vốn hàng bán giảm 26,5%, chậm hơn tốc độ đi xuống của doanh thu, nên công ty lỗ gộp 159 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi gộp xấp xỉ 1.296 tỷ.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tập đoàn của Chủ tịch Hồ Minh Quang ghi nhận lỗ sau thuế gần 419 tỷ đồng, trái ngược với số lãi ròng gần 607 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế ba quý đầu năm, Nam Kim báo lãi ròng gần 290 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/6 con số 1.773 tỷ của 9 tháng đầu năm 2021.

Trong 10 tháng đầu năm, Nam Kim tiêu thụ 607.100 tấn tôn mạ và 135.700 tấn ống thép, lần lượt giảm 21,8% và tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021. Hiện nay Nam Kim đang xếp thứ ba về thị phần tôn mạ và thứ năm về thị phần ống thép.

Hòa Phát dẫn đầu về thị phần ống thép, Nam Kim xếp thứ 5.

Đức Quyền

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.