|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ninh Thuận: 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động

07:16 | 26/01/2021
Chia sẻ
Cho đến nay, Ninh Thuận đã có 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động (32 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió) với tổng công suất hơn 2.446 MW.

Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo cao nhất so với cả nước.

Theo đánh giá tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng trên địa bàn tỉnh và định hướng phát triển đến năm 2030, Ninh Thuận có khả năng sản xuất khoảng 21.928MW điện. Trong đó, đã phê duyệt quy hoạch 4.758MW và hiện nay địa phương đang trình Chính phủ bổ sung quy hoạch điện VIII là 17.170 MW.

Ninh Thuận: 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động - Ảnh 1.

Ninh Thuận có 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động với tổng công suất hơn 2.446 MW. (Ảnh: Khải An).

Hiện Ninh Thuận đã có 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động (32 dự án điện mặt trời và 4 dự án điện gió) với tổng công suất hơn 2.446 MW.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, các dự án năng lượng tái tạo trong quá trình thi công và đi vào vận hành đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Đáng chú ý là dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW, kết hợp với Trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV Trung Nam - Thuận Nam, do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn gần 12.000 tỷ đồng.

Dự án gồm Nhà máy điện mặt trời 450 MW, trạm biến áp 220/500kV và hơn 17 km đường dây truyền tải 500 kV, 220 Kv, đi qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Đây là dự án điện mặt trời có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần tăng giá trị xây dựng, công nghiệp và giải quyết việc làm cho người dân, tạo thêm nguồn thu ngân sách và từng bước đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Ninh Thuận: 36 dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động - Ảnh 2.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam. (Ảnh: Trung Nam Group).

Mới đây, tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 Ninh Thuận phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo đó, Ninh Thuận hướng đến xây dựng quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 21.450 MW. Trong đó, điện mặt trời 8.648 MW, điện gió 5.240 MW, Thủy điện tích năng Bác Ái 1.200 MW, Điện khí LNG Cà Ná 6.000 MW, thủy điện vừa và nhỏ 362 MW.

Cụ thể, trong năm 2021 Ninh Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch bố trí nguồn lực để đầu tư các công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch nhằm giải tỏa toàn bộ công suất các nguồn điện.

Đồng thời đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, công suất 1.200 MW và đường dây 500kV đấu nối đưa vào vận hành đồng bộ dự án. Song song đó, tổ chức triển khai lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW và đường dây 500kV, 220kV đấu nối vận hành năm 2025-2026.

Tiếp tục đầu tư các nhà máy điện khí giai đoạn 2, 3, 4, công suất 4.500 MW và đường dây đấu nối vận hành để đến năm 2030 nâng tổng quy mô công suất Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná đạt công suất 6.000 MW.

Khải An

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.