Nikkei: VietJet Air có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế
Theo Nikkei, Hãng hàng không giá rẻ VietJet Air sẽ niêm yết 300 triệu cổ phiếu trên sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào ngày 28/2 với giá chào sàn là 90.000 đồng/cổ phiếu.
Hãng này cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu tại các thị trường nước ngoài và đang đàm phán với các hãng hàng không, ngân hàng trong khu vực để tìm kiếm đầu tư chiến lược nhằm tăng vốn mở rộng hoạt động.
Tháng 12 vừa qua, VietJet Air cho biết đã bán hơn 110 triệu cổ phiếu cho một số nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trước khi niêm yết, với giá 84.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức định giá 1,2 tỷ USD.
VietJet, nổi tiếng với video quảng cáo hình ảnh các tiếp viên hàng không mặc bikini, cũng đã khởi động lại kế hoạch niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore, Hong Kong hoặc Tokyo, sau khi niêm yết tại Việt Nam. Năm ngoái VietJet đã hoãn kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại nước ngoài của mình.
Năm 2016, VietJet báo cáo lợi nhuận ròng 2.290 tỷ đồng, doanh thu 27.530 tỷ đồng, tăng lần lượt 95,6% và 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, công ty dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 30%.
Hiện nay, VietJet đang được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế tại Việt Nam. Hãng này không phải nộp thuế doanh nghiệp trong 2 năm 2014 - 2015 và chỉ phải trả 50% thuế này trong năm 2016, 2017 và 2018, theo Nikkei.
Thành lập năm 2007, VietJet có chuyến bay thương mại đầu tiên tháng 12/2011. VietJet đã trở thành hãng hàng không lớn thứ hai tại Việt Nam, chiếm 41% thị phần, chỉ sau Vietnam Airlines với 42%. Hiện nay VietJet có hơn 60 đường bay trong và ngoài nước.
Người sáng lập kiêm Tổng giám đốc VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ duy trì sở hữu 32,66% cổ phần trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, 23,24% cổ phần do cổ đông tổ chức lớn nhất của VietJet là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny do bà Thảo sở hữu phần lớn.
Quỹ đầu tư tài sản Singapore GIC là cổ đông nước ngoài lớn nhất hiện nay của VietJet Air với 5,48% cổ phần.
Giữa tháng 1/2017, các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm Morgan Stanley, Mirae Asset, Wareham Group, Dragon Capital Markets, DC Developing Markets Strategies và VinaCapital sở hữu tổng cộng 24,39% cổ phần của VietJet, Nikkei dẫn theo một tài liệu của HOSE cho biết. Theo quy định hiện nay, giới hạn sở hữu của các nhà đầu tư ngoại tại hãng hàng không Việt Nam là 30%.
Các nhà đầu tư tổ chức khác có liên quan tới bà Thảo của VietJet bao gồm Sovico Holdings (4,9%) - công ty bà Thảo sáng lập và là chủ tịch, HD Bank (4,5%) là nơi bà Thảo giữ vị trí Phó Chủ tịch.