Nikkei: Sẽ sớm có một cuộc chiến khốc liệt giữa các công ty fintech ở Việt Nam
Theo Nikkei Asian Review, thị trường thanh toán số dù phân mảnh nhưng đang phát triển nhanh của Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc chiến cạnh tranh "khốc liệt" sau sự kiện sáp nhập gần đây của ví điện tử VIMO và CTCP Công nghệ mPOS.
Cả hai được ra đời năm 2014 bởi Tập đoàn NextTech do ông Nguyễn Hòa Bình sáng lập. Mặc dù việc hợp nhất đã được dự đoán từ lâu nhưng bước đi này thực sự gây chú ý trên thị trường fintech Việt Nam hiện nay.
Tuần trước, VIMO và mPOS đã công bố hợp nhất và đổi tên thành NextPay. Theo đó, tổ chức mới cho biết sẽ có 1,5 triệu người dùng và hơn 35.000 điểm chấp nhận thanh toán trên 45 thành phố, ước tính giá trị thanh toán đạt 1,5 tỉ USD trong năm nay.
Đây rõ ràng là con số đáng kể ở Việt Nam khi mà theo trang thống kê Statista, tổng giá trị của các giao dịch thanh toán số tại Việt Nam dự kiến đạt 8,5 tỉ USD vào năm 2019, tăng 20% so với năm 2018.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước , hiện có 29 trung gian thanh toán phi ngân hàng được cấp phép ở Việt Nam tính đến tháng 2/2019, cung cấp khoảng hơn 20 ví điện tử. Hơn 40 ngân hàng cũng đang cung cấp dịch vụ thanh toán di động.
Sẽ chỉ có ba người chiến thắng?
Marc Einstein, Chuyên gia phân tích thuộc Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ tại Nhật Bản nhận định các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán di động ở Đông Nam Á đang tìm cách bật cao hơn làn sóng tạo ra, bởi sự thành công của hai gã khổng lồ thanh toán số ở Trung Quốc là AliPay của tập đoàn Alibaba và WeChat Pay của Tencent Holdings.
Ông Einstein coi đó như một cơn sốt vàng ở Việt Nam và cuối cùng sẽ chỉ có một, cùng lắm là ba người chiến thắng trong cuộc chơi khốc liệt ở Việt Nam.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hòa Bình, người sáng lập Vimo và sẽ giữ chức Chủ tịch NextPay cũng tin rằng thị trường thanh toán số trong nước sẽ trải qua nhiều biến động. "Trong hai hoặc ba năm tới, có 70% các công ty fintech tại Việt Nam sẽ bị đào thải khỏi thị trường", ông Bình nhận định.
NextPay đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động khoảng 30 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B
Theo ông Bình, NextPay đang trong quá trình kết thúc vòng gọi vốn Series B với 30 triệu USD và đặt mục tiêu không những chỉ phát triển ở Việt Nam, mà còn mở rộng ra nước ngoài với kế hoạch thâm nhập vào Indonesia và Myanmar năm tới.
NextPay cũng đã hợp tác với công ty khởi nghiệp Vaymuon để bắt đầu thử nghiệm dịch vụ cho vay tiêu dùng và thương mại trong năm nay.
Ông Bình tin rằng bây giờ là thời điểm phù hợp để tiến hành hợp nhất và nâng cao vị thế của NextPay, nhằm mang lại lợi nhuận hàng triệu USD trong năm 2019 và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam trong ba năm tới.
Ông Huy Phạm, Giảng viên Đại học RMIT Việt Nam và là người đã theo dõi thị trường fintech Việt Nam nhiều năm nay cho biết, việc sáp nhập này sẽ mang lại cho NextPay lợi thế cạnh tranh lớn so với những đối thủ khác như Momo, Moca của Grab, Viettel Pay hay Zalo Pay, vì mPOS đã chuyên về đầu đọc thẻ di động với một mạng lưới thương mại rộng khắp.
Tỉ lệ người sử dụng thanh toán di động của các nước trong khu vực (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Các công ty fintech cần gì để tồn tại?
Các nhà phân tích cho rằng các công ty fintech sẽ cần tập trung vào việc huy động vốn, tổng hợp cơ sở dữ liệu khách hàng, phát triển mạng lưới thương mại và mở rộng hệ sinh thái số để tồn tại.
Ví dụ, ZaloPay đến từ một mạng xã hội có hàng triệu người sử dụng hàng ngày tại Việt Nam.
Hay như MoMo, dịch vụ thanh toán điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam đã nhận được 100 triệu USD từ Quỹ đầu tư Warburg Pincus sau khi được bơm hàng triệu USD từ Standard Chartered và Goldman Sachs trước đó.
Grab năm ngoái đã kí kết hợp tác chiến lược cung cấp dịch vụ thanh toán số với Moca Việt Nam. Còn AirPay cũng được hỗ trợ bởi công ty Internet Sea của Singapore.
Sự gia tăng cạnh tranh này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang tăng cường sử dụng thanh toán số tại Việt Nam, được cho là tụt hậu so với các nước láng giềng. Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tại Việt Nam là 4,9 trên một đầu người, thấp hơn hẳn 59,7 ở Thái Lan, 89 ở Malaysia và 26,1 ở Trung Quốc.
NHNN đã chọn 16/6 là "ngày không tiền mặt" của Việt Nam sau khi công bố kế hoạch loại bỏ giới hạn giao dịch 20 triệu đồng/ngày/người dùng ví điện tử.
Hiện tại, ví điện tử tại Việt Nam phải được liên kết với tài khoản ngân hàng, làm cho các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh các sản phẩm ngân hàng số như một phần quan trọng tất yếu của thị trường.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cho biết sự giao thoa giữa các công ty fintech và ngân hàng đang thúc đẩy cạnh tranh và hợp tác một cách mạnh mẽ khi đang cố gắng tận dụng thế mạnh của nhau.
Ông cũng chỉ ra số liệu cho thấy tiền mặt lưu thông ở Việt Nam ở mức 19% GDP, cao hơn 12,6% ở Thái Lan; 9,2% ở Trung Quốc và 7,7% ở Malaysia.
Chính phủ Việt Nam năm nay đã bật đèn xanh cho các công ty viễn thông dùng thử dịch vụ thanh toán điện tử.
Nikkei dẫn lời TS Nguyễn Thanh Bình, Quyền chủ nhiệm bộ môn Tài chính tại RMIT, cho biết động thái này có thể giúp thúc đẩy thanh toán điện tử thậm chí ở khu vực nông thôn, nhưng cũng khiến cạnh tranh trở nên "khốc liệt" hơn.
Ông Bình cho rằng nếu có khả năng xây dựng một hệ sinh thái và có nguồn tài trợ phù hợp, các trung gian thanh toán Việt Nam sẽ tồn tại. Vì thế, điều này sẽ thông qua sáp nhập hoặc nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng trong nước.
Ngoài ra có thể trông cậy vào các công ty viễn thông, đối tượng được xem là sẽ thay đổi "cuộc chơi" bởi họ có cơ sở hạ tầng rất rộng để tạo dựng một sinh thái như kì vọng.