|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nikkei: Nhật Bản muốn Việt Nam tham gia thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ đầu tiên ở ASEAN

14:07 | 22/04/2021
Chia sẻ
Hãng tin Nikkei Asia dẫn một nguồn tin thuộc chính phủ Nhật Bản cho biết, Tokyo đang muốn kêu gọi Việt Nam tham gia thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ đầu tiên của nước này với một quốc gia Đông Nam Á.

Thông qua thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ đầu tiên với Việt Nam, Nhật Bản muốn đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn trong trường hợp chuỗi cung ứng ở nước ngoài gặp sự cố, nguồn tin chính phủ của Nikkei cho hay.

Hiệp định mới với Việt Nam còn là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chính quyền Thủ tướng Yoshihide Suga để phát triển các thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ với ASEAN. Theo một đề xuất, mỗi bên tham gia sẽ xây dựng kho dự trữ dầu thô riêng, cùng với xăng, nhiên liệu diesel và các sản phẩm dầu mỏ khác phòng trường hợp bị gián đoạn nguồn cung.

Cả Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN đều phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung dầu mỏ của Trung Quốc. Xuất phát từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, Nhật Bản hiện có kho dự trữ xăng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước trong hơn 200 ngày. Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á chỉ có đủ nguồn cung cho một tháng.

Nikkei: Nhật Bản muốn Việt Nam tham gia thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ đầu tiên ở ASEAN - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một giàn khoan chung của Nhật Bản và Việt Nam ở Vũng Tàu. (Ảnh: Reuters).

Tập đoàn dầu mỏ BP (trụ sở tại Anh) cho biết, hơn 60% các lô dầu thô đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương đến từ Trung Đông. Rủi ro bị tắc nghẽn của dòng chảy dầu mỏ này thể hiện rõ vào tháng trước, khi siêu tàu container Ever Given bị mắc cạn và chắn ngang kênh đào Suez trong gần một tuần.

Khi đó, hàng trăm tàu chờ hàng, từ dầu thô, cà phê, gia súc đến hàng tiêu dùng phải chôn chân ở kênh đào Suez hoặc đi vòng tốn kém qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi. Rủi ro bị gián đoạn nguồn cung chính là vấn đề lớn mà các nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp chế tạo Nhật Bản gặp phải khi vận hành ở Đông Nam Á.

Hãng tin Nikkei cho biết đây là lần đầu tiên chính phủ Nhật Bản đề xuất thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ với Việt Nam. Khi đại dịch COVID-19 lắng dịu, Tokyo mong muốn sớm bắt đầu các cuộc thảo luận tích cực với Việt Nam để hai bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang tiến hành đàm phán với Indonesia, Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác để ký kết các thỏa thuận chia sẻ dầu mỏ tương tự. Đối với Philippines, Nhật Bản đang xem xét một hình thức khác, trong đó Tokyo sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về kế hoạch dự trữ xăng dầu.

Tháng trước, Tập đoàn Dầu khí và Kim khí Quốc gia Nhật Bản (tức Jogmec) đã cùng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và một số cơ quan khác tổ chức một cuộc họp với đại diện chính phủ 8 nước ASEAN. Tại đó, Tokyo khuyến nghị các bên nên tìm được tiếng nói chung về tầm trọng quan trọng của kho dự trữ dầu mỏ và mối quan hệ hợp tác đa phương.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng đang tìm cách hợp tác cùng các nhà sản xuất dầu mỏ. Tháng 12 năm ngoái, Tokyo đã ký một thỏa thuận với Kuwait để xây dựng kho dự trữ dầu thô chung tại Nhật Bản. Thỏa thuận này còn bao gồm một cơ chế mà qua đó, một phần kho dự trữ có thể được chia sẻ cùng các nước châu Á khác nếu Kuwait và Nhật Bản đồng ý.

Bất chấp xu hướng giảm phát thải nhà kính trên toàn cầu, chính phủ Nhật Bản tin rằng dầu mỏ vẫn sẽ là nguồn năng lượng chính trong ngắn hạn. Kinh tế của riêng khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng, do đó nhu cầu xăng dầu cũng được dự báo là vẫn còn dư địa để tăng.

Trong dự báo mới nhất của BP, nếu thế giới hoàn thành mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức 0 vào năm 2050 và nhu cầu dầu thô sụt giảm nhanh chóng thì các nền kinh tế trên toàn cầu vẫn muốn mua đến 660 tỷ thùng dầu thô trong giai đoạn từ nay đến năm 2050.

Còn theo triển vọng kinh doanh "trong điều kiện bình thường" của BP, nhu cầu dầu thô vẫn ổn định và các nước không đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm khí thải nhà kính. Khi đó, trong 30 năm tính đến năm 2050, toàn cầu sẽ tiêu thụ thêm 1,1 nghìn tỷ thùng dầu thô.

Dù vậy, Nhật Bản vẫn đang hỗ trợ để doanh nghiệp và người dân trong nước áp dụng các công nghệ và nguồn năng lượng tái tạo. Điều này có thể làm giảm lượng khí thải nhà kính của Nhật Bản trong trung và dài hạn.

Khả Nhân