Nikkei: Mỹ thua thiệt vì Nhật Bản giảm thuế thịt và rượu vang cho các nước khác
Ảnh: Nikkei Asian Review
Theo dữ liệu thương mại Nhật Bản công bố hôm 30/7, nhập khẩu thịt heo từ các quốc gia đã thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPATPP) của nước này đã tăng 7% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kì năm ngoái.
Cũng theo báo cáo mới, nhập khẩu thịt heo từ Mỹ (vốn đã rút lui khỏi hiệp định TPP sau khi Tổng thống Trump nhậm chức) giảm 3%.
Dữ liệu trên cho thấy mức độ bất lợi của Mỹ so với các đối tác thương mại khác của Nhật Bản khi nước này hạ thuế quan theo các thỏa thuận thương mại mà Tokyo đã kí kết, trước thời điểm Mỹ và Nhật Bản nối lại đàm phán thương mại cấp cao vào ngày 1/8.
Theo Nikkei Asian Review, hiệp định TPP đã hạ thuế quan mà Nhật Bản áp lên thịt heo chất lượng cao từ 4,3% xuống 2,2% ngay sau khi có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 và sau đó là xuống 1,9% vào tháng 4/2019.
Diễn biến này đã tạo thêm đà tăng trưởng cho thịt heo Canada, vốn đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản trong những năm gần đây.
"Các siêu thịt có nhu cầu đặc biệt đối với thịt heo chất lượng cao từ Canada", một nhà bán sĩ thịt heo cho hay.
Theo thỏa thuận hợp tác kinh tế với EU, Nhật Bản cũng đã tăng nhập khẩu thịt heo từ các nước châu Âu như Đan Mạch, trong đó phần lớn thịt đông lạnh là dành cho các nhà máy chế biến và nhà hàng. Thỏa thuận này có hiệu lực từ tháng 2/2019.
Tổng lượng thịt heo mua từ EU đã tăng 13% trong giai đoạn 5 tháng tính đến tháng 6 vừa qua.
Lợi ích mà các nước châu Âu và thành viên của hiệp định TPP nhận được khiến Mỹ bị thiệt hại vì thị phần thịt heo xuất sang Nhật Bản của Mỹ đã giảm 1,6 điểm phần trăm trong 6 tháng đầu năm so với cùng kì năm ngoái.
Dữ liệu cũng cho thấy xu hướng tương tự đối với rượu vang, với việc khối lượng rượu vang nhập khẩu từ các nước TPP tăng 8% trong 6 tháng đầu năm. 5 tháng sau khi thỏa thuận với EU có hiệu lực, nhập khẩu rượu vang từ khối này vào Nhật Bản tăng 25%.
Theo Nikkei Asian Review, thỏa thuận hợp tác kinh tế với EU cũng ngay lập tức loại bỏ thuế quan mà Tokyo áp lên rượu vang.
Trong khi đó, nhập khẩu rượu từ Mỹ sang Nhật Bản giảm 2% trong nửa đầu năm nay.
Kể từ khi thỏa thuận Nhật Bản - EU có hiệu lực, Aeon Retail đã tổ chức bán định kì ba chai rượu vang với giá 1.000 yen (tương đương 9,2 USD). Doanh số rượu vang châu Âu của hãng đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 2 - 6/2019 so với cùng kì năm ngoái.
Ngoài ra, Aeon còn lưu ý rằng nhiều người đang mua rượu vang với số lượng lớn vì đối với họ, rượu vang không áp thuế quan dường như là một món lời.
Chuỗi siêu thị hạng trung Inageya báo cáo doanh số rượu vang đỏ Italy tăng 26% và rượu vang trắng của Pháp tăng 10%. So với cùng kì năm 2018, Suntory Holdings cho biết họ đã tăng nhập khẩu rượu vang châu Âu lên 20% trong 6 tháng đầu năm nay nhờ giá một số sản phẩm giảm.
Sự khác biệt giữa Mỹ và các nước hưởng lợi nhờ các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản ít rõ nét hơn ở sản phẩm thịt bò, thị trường mà Mỹ và Australia cùng nhau chiếm lĩnh khoảng 90% thị phần.
Nhập khẩu thịt bò từ các nước TPP, bao gồm Australia, tăng 3% trong nửa đầu năm nay. Nhật Bản đã tăng gấp đôi lượng thịt bò mua từ Canada, vốn chỉ chiếm 4% thị phần trong năm 2018.
Ngoài ra, nhập khẩu thịt bò từ New Zealand và Mexico cũng tăng lần lượt khoảng 50% và 30%, trong khi Australia ghi nhận mức giảm 5% do giá thịt cao. Trong cùng kì, Nhật Bản đã tăng nhập khẩu thịt bò Mỹ lên 5%.
"Sau khi TPP có hiệu lực, thị phần thịt bò Mỹ giảm ít hơn dự đoán của chúng tôi", một nhà nhập khẩu cho biết.