Nikkei: Hàng không Việt Nam có thể bay thẳng đến Mỹ sớm nhất trong năm nay
Vietnam Airlines khả năng là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam cung cấp đường bay thẳng đến Mỹ (Ảnh: Reuters)
Các hãng hàng không của Việt Nam đang chuẩn bị cho việc triển khai đường bay thẳng đầu tiên đến Mỹ, mở đường cho kỷ nguyên mới của mối quan hệ kinh tế giữa quốc gia Đông Nam Á và thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình, tờ Nikkei đưa tin.
Ba hãng hàng không địa phương, bao gồm Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đang kỳ vọng thực hiện các chuyển bay đến Mỹ sớm trong năm nay, điều này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn khoảng 8 giờ.
Hiện các chuyến bay đến Mỹ từ TP HCM mất khoảng 20,5 giờ đồng hồ, các chuyến bay sẽ phải quá cảnh qua Sân bay Quốc tế Incheon (Hàn Quốc) trước khi hạ cánh tại San Franciso. Nếu triển khai đường bay trực tiếp đến San Francisco hoặc các thành phố lớn khác ở bờ Tây nước Mỹ sẽ chỉ mất khoảng 13 giờ.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển ổn định trong thời gian gần đây. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và cũng có khoảng 2 triệu Việt Kiều.
Vào tháng 2, Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận Việt Nam đủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, mở cánh cửa cho Việt Nam thực hiện đường bay trực tiếp đến quốc gia này.
Việc FAA cấp chứng chỉ hạng 1 cho Cơ quan Hàng không Dân dụng Việt Nam trong chương trình đánh giá An toàn Hàng không Quốc tế có nghĩa Việt Nam đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cấp phép nhân sự, tổ chức hoạt động và khả năng vận chuyển hàng không.
Trong nhiều năm, Việt Nam đã nỗ lực để có được sự công nhận này nhưng thất bại do không đáp ứng được các tiêu chuẩn về khả năng kiểm soát không lưu và ứng phó sự cố.
Cũng trong tháng 2 vừa rồi, hai hãng hàng không của Việt Nam đã ký thỏa thuận trị giá 20,9 tỉ USD mua máy bay bên lề Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Vietjet Air ký mua 100 máy bay 737 Max từ Boeing với mức giá 12,7 tỉ USD. Thỏa thuận gồn 20 máy bay Max 8 và 80 chiếc Max 10 cỡ lớn. Hãng hàng không giá rẻ của Việt Nam cũng đạt được thỏa thuận trị giá 5,3 tỉ USD với GE về cung cấp động cơ máy bay và các dịch vụ bảo trì bảo dưỡng.
Trong khi đó, Bamboo Airways, hãng hàng không mới ra mắt hồi tháng 1 năm nay cũng đã ký hợp đồng mua Boeing 787 trị giá hơn 2,9 tỉ USD.
Theo dự đoán của tờ Nikkei, Vietnam Airlines và Vietjet rất có thể là những hãng hàng không đầu tiên thực hiện chuyến bay thẳng tới Mỹ, ngoài ra một số hãng hàng không của Mỹ cũng sẽ xem xét tận dụng cơ hội mới này.
Các hãng hàng không của Việt Nam có thể bắt đầu bằng các chuyến bay đến San Francisco và các thành phố cố cộng đồng người Việt đông đúc, sau đó mở rộng dịch vụ đến các thành phố lớn khác của Mỹ như Washington và Chicago.
Nhưng cuộc chơi sẽ không chỉ dành riêng cho hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam nói trên, Bamboo Airways cũng đã có tầm nhìn để triển khai các tuyến bay thẳng đến Mỹ, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trao đổi cùng Nikkei.
"Chúng tôi đặc biệt tập trung vào việc mở rộng các tuyến bay sang Mỹ trong 3 năm tới".
Nhiều người Mỹ gốc Việt Nam đã đạt được thành công nhất định trong kinh doanh, Henry Nguyễn được biết đến là người đưa chuỗi McDonald vào Việt Nam và David Thái, chính là người sáng lập chuỗi cà phê Highlands.
Khoảng 690.000 hành khách đã di chuyển từ Mỹ đến Việt Nam trong năm 2018, tăng 12% so với năm trước đó và tăng 60% trong vòng 5 năm. Mỹ là thị trường có du khách quốc tế đến Việt Nam xếp thứ 4 sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chiều ngược lại, số lượng hành khách từ Việt Nam đến Mỹ xếp đầu tiên đạt khoảng 100.000 người.
Nhưng những tuyến bay thẳng đến Mỹ sẽ không nhanh chóng trở thành "con bò sữa" đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cho biết hãng sẽ lỗ khoảng 30 triệu USD trong năm đầu tiên triển khai dịch vụ bay thẳng đến Mỹ. Ông Thành cũng cho hay cần ít nhất 5 năm để hãng hàng không quốc gia có thể sinh lời.
Trong khi đó, thị trường hàng không nội địa của Việt Nam chắc chắn sẽ trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn trong những năm tới. Ngoài Bamboo Airways đã thành công trong việc "bay", Vietravel một công ty lữ hành lớn của Việt Nam cũng đã nộp đơn xin phép.
Chỉ các hãng hàng không có khả năng đánh bại các đối thủ trong thị trường nội địa mới có thể cung cấp các chuyển bay đến Mỹ, sẽ không có lợi nhuận trong thời gian ngắn.
"Chúng tôi có kế hoạch phân biệt chính mình với các đối thủ cạnh tranh trong nước bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ với mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao", ông Trịnh Văn Quyết nói với Nikkei.
Hiện chỉ có 11 hãng hàng không trên thế giới được trao chứng nhận 5 sao từ Skytrax, một công ty đánh giá xếp hạng hàng không của Anh.