|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 4 châu Á-Thái Bình Dương

06:26 | 26/09/2016
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm, niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam có dấu hiệu rất lạc quan, đạt 94,9 điểm, tăng 0,7 điểm so với nửa cuối năm 2015, nhờ sự cải thiện niềm tin đối với thị trường chứng khoán.
niem tin nguoi tieu dung viet nam dung thu 4 chau a thai binh duong
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN.

Trong 6 tháng đầu năm, niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam có dấu hiệu rất lạc quan, khi đạt 94,9 điểm, tăng 0,7 điểm so với nửa cuối năm 2015, nhờ sự cải thiện niềm tin đối với thị trường chứng khoán. Với điểm số này, Việt Nam đã xếp thứ 4 trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà dẫn đầu là Myanmar (99,8 điểm), Ấn Độ (97,6 điểm) và Philippines (95,2 điểm). Kết quả thăm dò trên được MasterCard công bố hôm 22/9. Khảo sát của MasterCard cho thấy, nhìn chung niềm tin người tiêu dùng tại châu Á-Thái Bình Dương ổn định (tại 9 trong số 17 quốc gia). Theo đó, châu Á-Thái Bình Dương nằm trong nhóm trung lập khi chỉ gia tăng 0,05 điểm đồng thời tiếp tục bám sát ngưỡng điểm lạc quan (59,72 điểm). Về mức độ cải thiện, Đài Loan (Trung Quốc) đang dẫn đầu (tăng 16, điểm) đạt 45,3 điểm, vươn lên từ vị trí thấp nhất trong số 17 quốc gia trong đợt khảo sát trước vào nửa cuối năm ngoái khi quốc gia này bị mất đến hơn 20 điểm.
Sự cải thiện này của Đài Loan nhờ vào sự phản hồi tích cực trên tất cả các lĩnh vực, tác động lớn nhất là từ sự mong đợi cao đối với những biến chuyển của thị trường chứng khoán. Sau những cuộc bầu cử gần đây vào tháng Năm, Philippines cũng cho thấy sự cải thiện lớn, sau khi tăng 12,9 điểm, quốc gia này đã đứng vào nhóm cực kỳ lạc quan với điểm số 95,2 điểm, đây là mức điểm cao nhất từ khi khảo sát bắt đầu được thực hiện tại Philippines vào năm 1995. Trái lại, báo cáo cũng chỉ ra 7 trong số 17 quốc gia ghi nhận sự suy giảm về niềm tin so với nửa cuối năm 2015, ghi nhận mức giảm sút nhiều nhất là Indonesia, Hong Kong và Singapore. Theo khảo sát, triển vọng việc làm chính là nhân tố chính cho sự suy giảm này. Khảo sát trên được thực hiện từ tháng Sáu đến tháng Bảy, với 8.746 người tham gia trả lời (độ tuổi từ 18-64) tại 17 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá triển vọng về năm nhân tố kinh tế, bao gồm: nền kinh tế, triển vọng việc làm, triển vọng thu nhập thường xuyên, thị trường chứng khoán và chất lượng sống. Ông Eric Schneider, Phó chủ tịch cấp cao châu Á-Thái Bình Dương, nhóm cố vấn của MasterCard, chia sẻ, “niềm tin người tiêu dùng tại châu Á-Thái Bình Dương nhìn chung cho thấy sự thay đổi không lớn, nhiều nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng các quốc gia mới nổi trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Myanmar và Philippines vẫn duy trì niềm tin ổn định khi người tiêu dùng lạc quan về triển vọng kinh tế trong 6 tháng tới. Cho dù các quốc gia mới nổi của Châu Á tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng của khu vực, chính quyền và các doanh nghiệp cần đảm bảo sự ổn định cùng những nguyên tắc cơ bản mạnh mẽ để kiểm soát những bất ổn bên ngoài trong tương lai.”/.

Theo Hạnh Nguyễn

Vietnamplus