'Nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả'
Tác động lan tỏa của FDI đối với khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng. Ảnh: H.A. |
Đóng góp lớn cho phát triển kinh tế
Theo Ban tổ chức, khoảng thời gian đầu sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời, từ 1988 - 1990, FDI chưa tác động rõ rệt đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Nhưng đến nay, sau gần 30 năm “đón” vốn FDI, nước ta đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng hơn 160 tỷ USD.
FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đáng chú ý, khu vực FDI hiện chiếm đến 72% kim ngạch XK.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho biết, trong 30 năm qua, các doanh nghiệp FDI đã góp phần quan trọng bổ sung nguồn vốn cho nền kinh tế, khoảng 20-25% GDP, tạo ra 3,7 triệu lao động trực tiếp, đóng góp trên 15% thu ngân sách.
Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI giúp thúc đẩy các DN trong nước nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế.
Dẫn thành công của tỉnh Vĩnh Phúc, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, thời điểm năm 1997 (khi tỉnh Vĩnh Phúc mới được tái lập sau khi tách tỉnh Vĩnh Phú), thu ngân sách nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc là khoảng 100 tỷ đồng, nhưng tới năm 2016 thì thu ngân sách của tỉnh này đã đạt 33.000 tỷ đồng, gấp 330 lần so với thời kỳ mới thành lập tỉnh. Trong đó, FDI đóng vai trò quan trọng.
Không chỉ đóng góp cho ngân sách mà FDI còn làm thay đổi bộ mặt thành phố và nông thôn của địa phương này. Ở miền Bắc, ngoài Vĩnh Phúc còn có Bắc Ninh và Thái Nguyên đều là những địa phương có những thay đổi rất nhanh chóng trong những năm trở lại đây nhờ sự đóng góp lớn của nguồn vốn FDI.
Khẳng định vốn FDI có tác động lớn tới sự phát triển của Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khu vực FDI đóng góp cho thu nội địa của tỉnh giai đoạn 1997-2000 là 47,6% và giai đoạn 2001-2005 là 69%, từ năm 2006 đến 2010 là 83,71% và từ 2011 đến nay là 84,65%. FDI chiếm 95% vào XK của tỉnh. Hiện sản phẩm sản xuất tại Vĩnh Phúc được XK tới hơn 20 nước trên thế giới.
Hạn chế lớn là tính lan tỏa
Ghi nhận những đóng góp không thể phủ nhận của khu vực FDI, tuy nhiên, tại hội thảo, nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng nhấn mạnh, bên cạnh những thành công, hoạt động FDI cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, như chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế, một số máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu đã được nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nghi án chuyển giá…
Nhấn mạnh vai trò và ảnh hưởng của FDI đối với nền kinh tế, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết có nhiều lo ngại khi sức ảnh huởng này là rất lớn dẫn tới nền kinh tế Việt Nam bị phụ thuộc vào FDI. “Một số chuyên gia còn cho rằng, tại Việt Nam, đang hình thành 2 nền kinh tế trong một quốc gia”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Theo đánh giá chung, tác động lan tỏa của FDI đối với khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế và chưa đạt được như kỳ vọng.
Về hạn chế của FDI, GS Nguyễn Mại cho rằng, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các DN Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
GS Nguyễn Mại thông tin, trong XK sang Mỹ của khối ASEAN, nếu như năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khối ASEAN thì đến năm 2014 đã vươn lên đứng đầu, chiếm 22% tổng xuất khẩu sang Mỹ của khối. Việt Nam chiếm 4% tổng kim ngạch XK toàn thế giới, đứng đầu là XK hồ tiêu, cà phê, dệt may và hiện đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Như vậy, chúng ta kém xa các nước xung quanh chúng ta về mặt này.
Theo GS. Nguyễn Mại, chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu có 2 đầu: đầu giá trị gia tăng cao và đầu giá trị gia tăng thấp.
Trong ngành dệt may của Việt Nam, đầu cuối với giá trị gia tăng cao là khâu tiêu thụ thì các DN FDI chiếm gần như toàn bộ. Các DN Việt Nam làm các khâu có giá trị gia tăng thấp là may. Như vậy, giá trị gia tăng chung của ngành dệt may chỉ đạt 15% kim ngạch.
Ngành da giày cũng vậy. Các DN Việt Nam chỉ sản xuất, còn khâu tiêu thụ, marketing vẫn thuộc về các DN nước ngoài.
Theo GS Nguyễn Mại, có 4 trách nhiệm mà chúng ta cần đề cập đến khi bàn về lan toả. Trách nhiệm thứ nhất thuộc về DN Việt Nam, theo đó, muốn thành công thì cần có các yếu tố:
Thứ nhất là tự tin. Các DN Việt hay tự ti, mà muốn làm được thì cần phải tự tin.
Thứ hai là phải chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu, phải có chiến lược phát triển, thích ứng với các yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài.
Thứ ba là luôn đổi mới, nâng cao trình độ để đáp ứng các yêu cầu.
Thứ tư, trong bối cảnh mở cửa hiện nay, Chính phủ cũng cần đề cao hơn nữa vai trò của hiệp hội, qua đó có thể gắn kết các DN trong nước và DN nước ngoài với nhau.
30 năm vốn FDI vào Việt Nam: Hai mặt của dòng vốn
Nhìn lại 30 năm Việt Nam thu hút vốn FDI thì thấy, dòng vốn này đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát ... |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/