|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những thay đổi trong xu hướng mua hàng online của Gen Z

07:57 | 18/01/2024
Chia sẻ
Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển đổi sang bán hàng trên các kênh mạng xã hội cũng là lúc thế hệ Gen Z trở thành nhóm dẫn đầu xu hướng trải nghiệm mua hàng trực tuyến.

Theo một báo cáo năm 2023 của Meta và Bain & Company về bối cảnh người tiêu dùng kỹ thuật số Đông Nam Á, 72% Gen Z ở Singapore thích mua sắm trực tuyến.

Những người sinh ra trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2012, đang dẫn đầu các thế hệ khác trong việc khám phá, đánh giá và mua sắm trực tuyến, với tỷ lệ 45% thực hiện mua sắm thông qua mạng xã hội.

Nhiều trang mạng xã hội đã giới thiệu các tính năng thương mại điện tử trên nền tảng của họ, cung cấp lựa chọn thay thế những sàn thương mại điện tử truyền thống như Lazada và Shopee. Ví dụ, người dùng có thể mua trực tiếp từ TikTok Shop hoặc Facebook Marketplace mà không cần thoát khỏi ứng dụng.

Mua sắm trên mạng xã hội góp phần vào sự tăng trưởng của ngành thương mại xã hội, ước tính sẽ đạt 6,99 tỷ USD vào năm 2028, theo báo cáo của Research and Markets được công bố vào năm ngoái.

Một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty phân tích YouGov cho thấy Gen Z thích mua sắm trên TikTok và Instagram thay vì Facebook, nền tảng mạng xã hội vốn phổ biến hơn với thế hệ cũ.

Hình thức bán hàng qua phát trực tiếp cũng là một cách dễ dàng tiếp cận nhóm đối tượng Gen Z. (Ảnh: China Daily).

Tại Đông Nam Á, hơn 15 triệu doanh nghiệp sử dụng TikTok để quảng bá sản phẩm của họ tới 325 triệu người dùng hàng tháng. Theo báo cáo năm 2022 của TikTok, xu hướng “mua sắm giải trí”, đã tạo ra một thị trường trị giá 500 tỷ USD trên nền tảng này.

TikTok cho biết các doanh nghiệp thu hút người mua bằng cách tạo ra nội dung thú vị, truyền cảm hứng, đáp ứng nhu cầu cảm xúc của khách hàng.

Lawrence Loh, Gáo sư chiến lược và chính sách tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết, sự tương tác đầy cảm xúc của “mua sắm giải trí" thu hút Gen Z mua hàng. Những nhà sáng tạo nội dung có thể cung cấp cho người mua hàng thế hệ này nhiều góc nhìn về sản phẩm hơn cách bán hàng truyền thống.

Ông nói: “So với các thế hệ khác, họ thích tìm hiểu thực tế về những gì họ mua".

Tracy Loh, Giảng viên cao cấp về quản lý truyền thông tại Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho biết, trái với trải nghiệm mua sắm tĩnh của sàn thương mại điện tử truyền thống như Lazada hay Taobao, những người livestream của TikTok thường trò chuyện với khán giả của họ trong ba hoặc 4 giờ mỗi lần lên sóng.

Nữ giảng viên so sánh cách làm này tạo cảm giác giống như nhận được lời giới thiệu từ một người bạn, giúp người mua có được sự tin tưởng của người dùng nhiều hơn. “Bạn muốn ai đó có hệ số tin cậy cao, đặc biệt là khi nhắc đến các sản phẩm cá nhân như mỹ phẩm hoặc liên quan đến sức khỏe", bà Tracy nói.

Là tín đồ mua sắm online, Wu Zu An cho biết cô đã thực hiện giao dịch mua hàng đầu tiên trên TikTok sau khi xem một người sáng tạo trải nghiệm mỹ phẩm trong buổi phát trực tiếp.

Cô gái 22 tuổi cho biết: “Tôi có thể thấy rằng sản phẩm thực sự có tác dụng khi cô ấy bôi nó lên mặt". Wu cho biết cô dự định sẽ sử dụng TikTok để mua sắm mỹ phẩm từ bây giờ.

Theo Statista, những người có ảnh hưởng với 1.000 đến 10.000 người theo dõi, còn được gọi là nano-influencers, chiếm tỷ lệ tài khoản lớn nhất trên TikTok và Instagram.

Giáo sư Lawrence Loh cho rằng những người có ảnh hưởng quy mô nhỏ như vậy thu hút người mua sắm thuộc thế hệ Gen Z vì họ đưa ra các đề xuất thích hợp, phục vụ cho sở thích có chọn lọc của nhóm người trẻ này.

Vì Gen Z am hiểu về công nghệ nên họ phụ thuộc rất nhiều vào những người có ảnh hưởng nano trên mạng xã hội để hướng dẫn các quyết định mua hàng của họ. “Họ muốn tìm thứ gì đó phù hợp với quan điểm và sở thích của họ", giáo sư đánh giá.

Ngược lại, thế hệ Millennials sinh từ 1981 đến 1996 thích những thương hiệu lớn hoặc những người có ảnh hưởng tầm vĩ mô như người nổi tiếng hoặc vận động viên thể thao.

Bà Tracy Loh nhận định các trang web thương mại điện tử truyền thống đã bắt đầu mô phỏng mạng xã hội bằng cách mở rộng phạm vi người có ảnh hưởng, sử dụng những người có ảnh hưởng ở quy mô nhỏ hơn để dẫn đầu các chiến dịch địa phương và thu hút Gen Z. 

nói: “Shopee đang sử dụng các nghệ sĩ địa phương trẻ hơn thay vì những người như Cristiano Ronaldo cho nhiều chiến dịch ở Singapore".

Gen Z là phân khúc người tiêu dùng ngày càng quan trọng vì khả năng chi tiêu của họ đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua. Bà Tracy Loh cho biết những người mua sắm trẻ tuổi có mức thu nhập ổn định ngày càng tăng và “không ngại” khi chi tiêu vào một số mặt hàng nhất định.

Bà nói: “Mặc dù chưa đạt được mục tiêu đầy đủ nhưng nhóm đối tượng này có tiềm năng rất lớn… hãy đợi thêm vài năm nữa để thu nhập của họ tăng lên”. Ngoài ra, nữ giảng viên cho rằng thế hệ Gen Z cũng đang dẫn dắt các thế hệ đi trước thay đổi hành vi tiêu dùng, nhiều người già ở Singapore đã bắt đầu thói quen mua hàng trên mạng xã hội do ảnh hưởng của con cháu.

Thuỳ Trang