|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Khẩu vị' của lãnh đạo GAB và mối liên hệ GAB - FLC - FLC Faros

08:00 | 17/07/2019
Chia sẻ
Các giao dịch của cổ phiếu GAB cho thấy nhiều điểm đặc biệt, khác với những công ty sản xuất thuần túy.

Chỉ sau ba ngày lên sàn, cổ phiếu GAB có mức tăng xấp xỉ 37% với ba phiên tăng kịch khung, GAB gợi lên kịch bản tăng giá chóng mặt hệt như cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros cũng xuất thân từ Tập đoàn FLC cách đây gần ba năm trước.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch 16/7, các lệnh bán dồn dập hàng trăm nghìn đơn vị đã đẩy GAB giảm sâu. Dù trắng bên mua nhưng lệnh bán cổ phiếu GAB với giá sàn vẫn cứ chất đống trên sàn HOSE. 

Vậy ai đang đứng sau những giao dịch kì lạ này?

gab-gd

GAB tăng sốc rồi giảm sâu khi vừa chỉ niêm yết vài ngày. (Nguồn: VNDirec)

Chia nhỏ cổ phần

CTCP GAB tiền thân là CTCP Gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập ngày 20/5/2016 tại huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hóa với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỉ đồng.

maxresdefault_lngj

Công ty Cổ phần GAB tiền thân là công ty cổ phần Gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập ngày 20/5/2016 tại Thanh Hoá.

CTCP  Tập đoàn FLC là công ty mẹ đã góp 80% vốn thành lập Gạch Tuynel FLC. Hai cá nhân có tên trong danh sách cổ đông là bà Trần Thị Thúy và ông Lê Trung Kiên, mỗi người góp 10% cổ phần.

GaB co dong 2017

Cơ cấu cổ đông GAB. (nguồn: BCTC 2017)

Tuy nhiên, FLC đã liên tục "rút chân" khỏi sổ cổ đông Gạch Tuynel FLC và chuyển sở hữu sang cho các nhà đầu tư cá nhân khác. 

Tháng 10/2016, Tập đoàn FLC chỉ còn góp 11,4 tỉ đồng (tương đương 19%), ông Kiên và bà Thúy đóng góp lần lượt 25% và 26%.

Cuối năm 2017, ông Lê Trung Kiên đã thoái hết vốn tại công ty. Danh sách cổ đông lớn lúc này bao gồm ba cổ đông là Tập đoàn FLC góp 11,4 tỉ đồng (tương đương 19%); bà Trần Thị Thúy 30,6 tỉ đồng (tương đương 51%); ông Nguyễn Công Nam – chồng bà Thuý góp 18 tỉ đồng (tương đương 30%).  

Cho đến cuối năm 2018, CTCP Gạch Tuynel FLC được đổi tên thành CTCP Vật liệu Xây dựng FLC đồng thời tăng vốn lên 138 tỉ đồng. Lúc này, t lệ sở hữu trên sổ sách của Tập đoàn FLC tiếp tục giảm xuống còn 8,99%; bà Thuý và ông Nam cũng giảm sở hữu xuống còn 36,74% và 16,67%. 

Danh sách cổ đông xuất hiện sự tham gia của ông Trần Thế Anh sở hữu 7,25% và bà Nguyễn Thị Hồng Thái sở hữu 6,81% vốn. Đây cũng là năm đầu tiên danh sách cổ đông CTCP Vật liệu Xây dựng FLC được phân bổ cho các "cổ đông khác" – chiếm 23,5% cổ phần.

Ngày 7/5/2019, CTCP Vật liệu Xây dựng FLC đổi tên thành CTCP GAB như hiện nay. Tên nước ngoài là Global Asset Business JSC, tạm dịch là Kinh doanh Tài sản Toàn cầu.

Đến thời điểm trước khi GAB niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE), các nhà đầu tư nhỏ đã cầm trịch cuộc chơi tại GAB khi tỉ lệ sở hữu của "cổ đông khác" đã tăng vọt lên trên 55% cổ phần.

Danh sách cổ đông lớn – những người buộc phải công bố thông tin về giao dịch mua bán cổ phiếu theo Thông tư 155 chỉ còn lại 44,71%. Ngoại trừ FLC vẫn sở hữu 8,99% vốn, bà Trần Thị Thuý và chồng tiếp tục giảm sở hữu xuống còn 18,48% và 5%.

GAB co dong

Cổ đông bí ẩn chiếm phần lớn cơ cấu cổ đông GAB trước khi lên sàn. (Nguồn: Bản cáo bạch GAB)

Theo nhận xét của Trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán, cơ cấu cổ đông của một doanh nghiệp mới lên sàn là vấn đề rất đáng quan tâm. 

Bởi trong rất nhiều trường hợp, những cổ phiếu thuộc quy mô vốn hoá nhỏ nhưng vừa lên sàn đã có biến động giá lớn cùng tỉ lệ giao dịch cao sẽ rất rủi ro cho nhà đầu tư mua vào. Nguy cơ bị các nhà đầu tư "ẩn danh" xả hàng là rất lớn.

"Trong những trường hợp như vậy, thông thường sẽ khó có lý do nào có thể giải thích thoả đáng cho việc tăng giá bất thường, kể cả báo cáo hoạt động kinh doanh cũng trở nên xa vời", chuyên gia trên cho biết.

GAB - sản xuất hay đầu tư chứng khoán?

gab-niem-yet

GAB niêm yết HOSE ngày 11/7/2019. (Nguồn: HOSE)

Khi mới lên sàn, GAB đánh động sự quan tâm của nhà đầu tư sau khi cái tên FLC và người cũ SSI đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị GAB, bà Trần Thị Thúy (sinh năm 1963).

Theo thông tin từ GAB, bà Thúy đã trải qua nhiều vị trí khác nhau tại các công ty chứng khoán.

Từ CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS, nay là CTCP Chứng khoán VPS - VPS), bà Thuý đã dần nắm giữ vị thế quan trọng trong giới chứng khoán, như Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), hay trợ lí của ông Nguyễn Duy Hưng tại SSI giai đoạn từ 2013 - 2017.

Dẫu vậy, đó cũng chỉ là những thông tin bên ngoài GAB. Bên trong doanh nghiệp, những chi tiết trong báo cáo tài chính của GAB cho thấy rằng, dù đã rời công ty chứng khoán, bà Thuý vẫn đóng vai trò tích cực trong hoạt động đầu tư của GAB ngay từ những ngày đầu thành lập cho đến ngày "lên sàn".

Riêng tại GAB thời điểm năm 2017, khi vốn điều lệ công ty ở mức 60 tỉ đồng, báo cáo của GAB cho biết đã ủy thác cho bà Thuý đầu tư chứng khoán với số tiền 579 triệu đồng.

Tiếp đến, năm 2018, khoản mục "chứng khoán kinh doanh ngắn hạn" của GAB công bố đã đầu tư 3 tỉ đồng vào cổ phiếu HDA của CTCP Hãng Sơn Đông Á.

Ở mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, GAB cũng dành 29,7 tỉ đồng đầu tư vào CTCP Sản xuất và Cung ứng VLXD Kon Tum. Khoản đầu tư ghi nhận theo các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của một loạt cá nhân và CTCP Create Capital Việt Nam (Mã: CRC). 

Theo đó, GAB cho biết đã sở hữu 45% cổ phần tại CTCP Sản xuất và Cung ứng VLXD Kon Tum.

Ngoài ra, trang 24 báo cáo tài chính năm 2018 của GAB cho thấy khoản uỷ thác đầu tư trị giá lên đến 10,24 tỉ đồng, được GAB uỷ thác cho hai cá nhân gồm bà Thuý 6,5 tỉ đồng và bà Nguyễn Thị Biên 4,5 tỉ đồng.

Hợp đồng cùng ký ngày 20/2/2018 có kỳ hạn 1 năm. Nội dung hợp đồng cho biết, nếu có lợi nhuận thì GAB sẽ được chia lãi, trường hợp bên nhận ủy thác đầu tư thua lỗ thì bà Thuý và bà Biên cam kết sẽ hoàn lại tiền vốn cho GAB.

Dù vậy, cho đến báo cáo tài chính quý I/2019 mà GAB công bố trước khi lên sàn, tức đã đã thời hạn hợp đồng uỷ thác nhưng các khoản uỷ thác trên vẫn còn nguyên vẹn trên BCTC. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn khác cũng giữ nguyên.

Những điều đó cho thấy lãnh đạo GAB vẫn rất ưa thích đầu tư tài chính, chứ không đơn thuần chăm lo sản xuất.

Thực tế, GAB có mối quan hệ mật thiết với FLC Faros - công ty do ông Trịnh Văn Quyết sáng lập và nắm quyền chi phối, hầu như toàn bộ doanh thu thành phẩm 11,69 tỉ đồng của GAB thực hiện trong quý I/2019 xuất phát từ công ty này. 

Hiện FLC Faros cũng là đơn vị chiếm dụng vốn lớn nhất tại GAB, các khoản "phải thu ngắn hạn" từ FLC Faros tăng từ 9,4 tỉ đồng năm 2017 lên 16,97 tỉ đồng cuối năm 2018 và tiếp tục tăng lên 19,2 tỉ đồng sau quý I/2019, chiếm hơn 85% tổng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng.

Hoàng Trung