Những tác động đến Việt Nam khi Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu
Xét trên toàn cục, sự ra đi của Anh sẽ làm giảm đáng kể sức mạnh của khối Euro zone khi mà Anh đứng thứ 2 trong toàn khối về kinh tế, chỉ sau Đức, trong liên minh 28 quốc gia này.
Việc Anh rời khỏi EU chắc chắn cũng sẽ tác động đến Việt Nam, mà trước mắt là về lĩnh vực thương mại, khách du lịch, đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hệ lụy khó lường có thể xảy ra sau khi Anh chính thức hoàn tất thủ tục rời khỏi liên minh này.
Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê và Tổng Cục Hải quan Việt Nam, giao thương giữa Việt Nam và Anh liên tục tăng trong khoảng 5 năm trở lại đây với mức tăng trung bình khoảng 29%, trong đó Việt Nam là nước xuất siêu. Xét trong cả khối EU thì mức tăng về kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu vào Anh của Việt Nam vẫn thấp hơn so với mức trung bình 34% vào EU.
Tuy nhiên, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh vẫn chiếm tỷ trọng thấp khoảng 2%, do đó mức độ ảnh hưởng có thể nói là không lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Anh trong vài năm gần đây có dấu hiệu chững lại kéo theo việc giảm nhu cầu đối với các hàng hóa của Việt Nam, làm giảm xuất khẩu và thặng dư thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, Anh lại là nước nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông thủy sản, đồ gia dụng, dệt may, đồ gỗ.v.v… theo đó, đồng bảng Anh mất giá sau sự kiên Brexit sẽ khiến cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam kém cạnh tranh hơn, và có thể giảm đáng kể về mặt giá trị.
Điều đó cho thấy, mặc dù không phải là đối tác thương mại quan trọng, nhưng việc Anh rời EU cũng sẽ tác đông đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đặc biệt là khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu 2018. Khi đó, Việt Nam sẽ phải khẩn trương xúc tiến đàm phán đê có thể có được một Hiệp định thương mại với riêng Anh để không bị ảnh hưởng về lĩnh vực thương mại.
Bên cạnh lĩnh vực xuất nhập khẩu, thì FDI của Anh vào Việt Nam liên tục tăng trong khoảng 5 năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Bộ kế hoạch đầu tư Việt Nam thì lũy kế FDI của Anh vào Việt Nam năm 2010 chỉ có hơn 2 tỷ USD, thì đến năm 2015 đã lên đến 4,7 tỷ USD.
Đặc biệt tăng mạnh trong năm 2015 với số vốn tăng thêm lên tới hơn 1 tỷ USD. Mặc dù vậy, Anh cũng không năm trong Top 10 quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam, điều đó có thể thấy, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong ngắn hạn cũng sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xét về yếu tố khách Du lịch, có thể thấy lượng khách Du lịch Anh vào Việt Nam duy trì ổn định khoảng 200.000 lượt khách/năm và chiếm tỷ trọng lớn nếu tính trên tổng lượng khách từ EU vào Việt Nam.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế Anh có dấu hiệu suy giảm và đặc biệt là tỷ giá đồng Bảng Anh và Việt Nam đồng giảm mạnh trong thời gian gần đây thì chắc chắn lượng khách du lịch từ Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Như vậy, đánh giá trên một số lĩnh vực giao thương giữa Việt Nam và Anh có thể thấy, trong ngắn hạn Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi sự kiện Brexit. Lịch sử của Châu Âu được viết sang một trang mới thì chắc chắn gam màu sẽ không còn được như xưa và sẽ còn nhiều hệ lụy nữa mà chúng ta còn chưa đánh giá hay lượng hóa hết được.
Quan trọng hơn cả là chúng ta cần phải chủ động trước các thay đổi mang tính toàn cầu để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn mang tính bất ngờ như sự kiện Brexit vừa qua.