Những phụ nữ trí thức đam mê 'làm đậu phụ sạch'
Nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, hạn chế hóa chất độc hại đã trở nên bức thiết. Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã nuôi trồng và sản xuất thực phẩm sạch theo hướng này.
Câu chuyện của tôi hôm nay kể về hai gương mặt phụ nữ đang đi con đường riêng để mang thực phẩm lành mạnh tới người tiêu dùng, và sản phẩm họ chọn là sản phẩm rất đơn giản, thân thuộc với người Việt: Đậu phụ. Phần lớn đậu phụ và sản phẩm từ đậu được làm từ đậu biến đổi gen (GMO), tiềm ẩn nhiều nguy hại sức khỏe cho người dùng. Và hai người phụ nữ không biết nhau lại vô tình cùng theo đuổi một đam mê vì đậu phụ sạch cho người Việt.
Đỗ Ngọc Trâm bên gian hàng giới thiệu sản phẩm đậu phụ sạch. |
Khát khao tìm lại hương vị thuần Việt
Đỗ Ngọc Trâm tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ và Đại học Ngoại thương, thế nhưng Trâm từ bỏ công việc tại một công ty nước ngoài để mở cửa hàng thực phẩm sạch vào năm 2013. “Có lẽ lúc đó mọi người cho là tôi “có vấn đề” khi học đến mấy bằng đại học mà lại “đi buôn rau”. Nhưng đúng là, phải hơi điên điên một chút thì mới làm thực phẩm sạch được”, cô nói vui.
5 năm kinh doanh rau hữu cơ, thực phẩm sạch, nhiều khách hàng đã nói với chị Trâm rằng họ không còn dám ăn đậu phụ nữa. Bởi lẽ, phần lớn đậu phụ trên thị trường hiện nay được làm từ đỗ tương nhập ngoại - nguồn nguyên liệu hầu hết là đậu biến đổi gen. Chị nói: “Thật đáng buồn khi giờ đây người ta phải lo sợ trước cả một món ăn thân thuộc, giản dị đến thế! Điều đó khơi dậy trong tôi ý muốn tạo nên một sản phẩm đậu phụ thuần Việt”.
Để đảm bảo có một sản phẩm thuần Việt, không biến đổi gen, khâu nguyên liệu là quan trọng nhất. Đỗ tương được cung cấp bởi hai nguồn chính: một là từ “Chương trình Đậu đỗ” do nhóm “Cộng đồng nông nghiệp tử tế” thực hiện; song song với đó, Trâm đang xây dựng thêm các vùng nguyên liệu của riêng mình tại Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Cạn và Hà Nam, dưới hình thức hợp tác và thỏa thuận bao tiêu đỗ tương do bà con ở các vùng này sản xuất.
“Bà con nông dân ở hai vùng nguyên liệu Hòa Bình và Hà Nam mà tôi xây dựng đang tham gia Hệ thống nông nghiệp hữu cơ PGS Việt Nam nên đã có sẵn kiến thức và kinh nghiệm trong canh tác hữu cơ. Do vậy, những ruộng đỗ tương trồng thử nghiệm ở hai vùng này đang áp dụng theo hướng canh tác hữu cơ, các vùng còn lại sẽ được trồng an toàn, không hóa chất và có kiểm soát.
Việc tôi cần làm là hỗ trợ về giống, kỹ thuật, và củng cố niềm tin cho họ bằng cách cam kết tiêu thụ đỗ tương. Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng đó cũng là cả một quá trình cần nhiều nỗ lực, kiên trì. Dự tính, phải đến năm 2018 tôi mới bắt đầu chủ động được nguồn nguyên liệu của mình với diện tích khoảng 20ha”, chị Trâm chia sẻ.
Hiện tại, sản phẩm của chị được các siêu thị đón nhận và Trâm cùng với các cộng sự cũng nỗ lực xin chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm “Đậu phụ Quê mình” trong tương lai, đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm khác từ đỗ tương.
Cựu tiếp viên hàng không và những bìa đậu “Lành”
Cũng như Trâm, Hồng Anh từng làm việc trong lĩnh vực khác. Cô từng là tiếp viên hàng không trong 7 năm liền, rồi kinh doanh mỹ phẩm với lợi nhuận cao. Vậy mà cô quyết định bỏ hết để dấn thân vào sản xuất “đậu phụ”, dù vấp phải sự phản đối từ gia đình, bạn bè bởi những bấp bênh trong lựa chọn mới.
Hồng Anh mong muốn được làm một công việc có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho cộng đồng, công việc không chỉ đơn thuần là tạo ra thu nhập. |
Khi được hỏi lý do vì sao chọn đậu phụ - một thực phẩm không có gì đặc biệt, Hồng Anh chia sẻ: “Mình là người ăn chay trường, đậu phụ là món ăn rất thân thuộc. Nhưng thực trạng đậu nành biến đổi gen (GMO) hiện nay đã tràn lan vào thị trường Việt Nam, cộng với việc quy trình làm đậu đại trà bằng nước chua không đảm bảo vệ sinh nên mình mong muốn làm ra những bìa đậu thật sự sạch và an toàn để có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Trước hết vì đáp ứng nhu cầu bản thân, tiếp theo là muốn chia sẻ tới cộng đồng”.
Hồng Anh có một quan niệm trong kinh doanh rất khác biệt. Với cô, kinh doanh là một cơ hội để “gieo hạt giống tốt”. Cô cho rằng, thu nhập chỉ mang đến cho mình những lợi ích ngắn hạn trước mắt, còn nhân quả từ việc làm mình gieo trong cuộc sống này, mới là thứ theo mình lâu dài.
Đó là lý do vì sao, dù vấp phải nhiều ngăn cản, dù đã từng nản lòng vì những rủi ro, thử thách khi bắt tay vào lĩnh vực hoàn toàn xa lạ, Hồng Anh vẫn kiên nhẫn không bỏ cuộc. “Cái tên Lành ra đời với ý nghĩa mong muốn, hy vọng mang đến cơn gió mới và sự tốt lành cho cộng đồng, và cũng là tự gieo duyên lành cho chính bản thân”. Trong rất nhiều năm, ngay cả lúc công việc kinh doanh còn gặp khó khăn, Hồng Anh vẫn giữ thói quen trích một phần doanh thu trong hoạt động kinh doanh để làm từ thiện.
Khó khăn là điều không tránh khỏi khi chân ướt chân ráo bước vào kinh doanh một lĩnh vực mình hoàn toàn không có kinh nghiệm. Không phải đậu hỏng thì chỉ cần bỏ đi là được, mà còn niềm tin, sự chờ đợi, háo hức của khách hàng đối với những sản phẩm sạch… là điều khiến Hồng Anh trăn trở.
“Dù lúc đó đã rất mệt mỏi, công việc ngổn ngang, nguồn tài chính không dư dả, cộng thêm việc phải chăm sóc con nhỏ, nhưng mình vẫn tự nhắn tin, gọi điện cho từng khách hàng để xin lỗi về chất lượng sản phẩm, hẹn bù cho khách hàng những bìa đậu mới - đó là cách mình cảm ơn và hy vọng giữ được sự ủng hộ từ khách hàng”, Hồng Anh nhớ lại.
Hồng Anh gửi gắm thêm: “Hành trang cần thiết nhất không phải tài chính mà là kiến thức, sự năng động, mạnh dạn dấn thân của mỗi cá nhân. Một khi bạn nhận thấy được ý nghĩa của công việc bạn đã chọn, hãy sẵn sàng đón nhận, đương đầu với thử thách, hãy kiên nhẫn với thất bại, hãy cứ bình thản cho dù chuyện gì xảy ra.
Rồi khi đã nỗ lực hết mình hoa trái sẽ có lúc tự nhiên đơm bông. Khi khó khăn qua đi, bạn sẽ thấy đó là những kinh nghiệm, bài học quý báu mà cuộc sống ban tặng và đặc biệt nó sẽ hình thành nên sự mạnh mẽ, nghị lực trong bản thân mỗi người”.