|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những ông bà chủ khởi nghiệp từ Đông Âu trên thương trường Việt

16:05 | 08/01/2020
Chia sẻ
Trong môi trường kinh tế vĩ mô tăng trưởng ấn tượng vài năm qua, một số ít tập đoàn tư nhân của Việt Nam vươn lên đóng vai trò nổi bật, khiến ngay cả các ông lớn nước ngoài cũng phải dè chừng. Tạp chí Nikkei đã chỉ ra điểm chung thú vị của những "ông bà trùm" này.

Một trong những siêu sao trong nền kinh tế Việt Nam là Tập đoàn Vingroup. Bắt đầu trong lĩnh vực bất động sản, Vingroup ngày nay đã trở thành một tổ hợp đa ngành với trọng tâm chuyển dịch sang các công nghệ mới.

Gần đây, Vingroup cho ra mắt một dòng TV thông minh với tên gọi Vsmart, được tích hợp các tiện ích của Google và sẵn sàng cạnh tranh giành thị phần với các tên tuổi ngoại như Sony hay Samsung.

Theo Nikkei, Vingroup nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính phủ trong các hoạt động của mình. Dòng TV thông minh nói trên được sản xuất tại nhà máy mới của Vingroup ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc - nơi đang được chính phủ ưu tiên phát triển để trở thành một trung tâm công nghệ.

Cổ phiếu VIC của Vingroup hiện đang niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh với vốn hóa tương đương 16,7 tỉ USD.

Tập đoàn này bước chân cả vào ngành sản xuất xe hơi thương hiệu VinFast một phần nhờ sự hỗ trợ về chính sách thuế và giá thuê mặt bằng của nhà nước. Từ năm 2017 đến nay Vingroup đã đầu tư khoảng 85.000 tỉ đồng cho các công nghệ sản xuất hiện đại ở nhà máy VinFast Hải Phòng.

Theo Nikkei, Vingroup còn đang hợp tác với các tập đoàn nước ngoài lớn như Posco (nhà sản xuất thép lớn nhất của Hàn Quốc) cùng với BMW và Bosch của Đức trong nhà máy xe hơi này.

Nhà máy VinFast đã xuất xưởng chiếc ô tô đầu tiên vào tháng 7/2019. Mặc dù doanh số toàn thị trường ô tô Việt Nam chỉ vào khoảng 300.000 chiếc mỗi năm, Vingroup có kế hoạch sản xuất 250.000 chiếc/năm trong giai đoạn đầu và nâng dần lên 500.000 chiếc/năm trong tương lai. Tham vọng này thể hiện định hướng xuất khẩu của tập đoàn.

Những ông bà chủ khởi nghiệp từ Đông Âu trên thương trường Việt - Ảnh 1.

Một chiếc ô tô do VinFast sản xuất được trưng bày tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Người sáng lập và Chủ tịch Vingroup là tỉ phú Phạm Nhật Vượng - người giàu nhất Việt Nam với tài sản ròng trị giá 7,6 tỉ USD (theo thống kê của Forbes). Câu chuyện thành công của ông có nhiều nét tương đồng với các doanh nhân khác cũng khởi nghiệp từ lĩnh vực bất động sản của Việt Nam.

Một điểm chung là nhiều người từng theo học ở các nước Đông Âu từ thời Liên xô cũ. Ông Phạm Nhật Vượng học ở thủ đô Moscow của Nga rồi mở nhà hàng ở Ukraine. Ông nhanh chóng phát triển mô hình kinh doanh này thành nhà máy sản xuất mì ăn liền và sau đó là hệ thống khử nước trong sản xuất mì ăn liền.

Năm 2009, ông bán công ty trong lĩnh vực khử nước này cho tập đoàn thực phẩm đa quốc gia Nestle đến từ Thụy Sỹ với giá 150 triệu USD. Đây chính là hạt giống khởi đầu để ông làm lớn trong lĩnh vực bất động sản.

CEO Sun Group Đặng Minh Trường cũng là một người từng lập nghiệp ở Đông Âu và có quan hệ làm ăn với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng.

Ông Trường từng học trường y ở Moscow rồi sau đó làm việc tại Ukraine cho công ty cung ứng thiết bị khử nước của ông Phạm Nhật Vượng. Giống như Vingroup, Sun Group cũng là một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn của Việt Nam.

Chủ tịch tập đoàn Sovico Holdings, nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng từng học tại Moscow năm 1988. Tại đây, bà bắt đầu nhập khẩu cao su, máy fax, quần áo và hàng tiêu dùng từ Nhật Bản, Hàn Quốc để bán.

Đến khi học xong, bà đã kiếm được khoảng 20 tỉ đồng. Dùng số tiền này, bà Thảo và chồng thành lập một công ty bất động sản. Cuối năm 2011, Sovico thành lập hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air. Qua mấy năm phát triển, hiện nay Vietjet đã cạnh tranh ngang ngửa với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines về thị phần cũng như số chuyến khai thác.

Những ông bà chủ khởi nghiệp từ Đông Âu trên thương trường Việt - Ảnh 2.

Năm 2019, Vietjet Air khai thác hơn 139.000 chuyến bay, dẫn đầu ngành hàng không Việt Nam. Ảnh: Đức Quyền.

Theo Nikkei, các ông bà chủ này còn được lợi từ cơn sốt bất động sản của Việt Nam. Đầu những năm 2000, đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng cao. Sau năm 2007, dòng vốn ngoại lại chảy mạnh vào khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ hơn 7% trong năm 2019, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Chi tiêu tiêu dùng cũng đi lên do sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu.

Được hỗ trợ bởi môi trường kinh tế thuận lợi, nhiều tập đoàn xuất thân từ lĩnh vực bất động sản đang tiếp tục mở rộng sang các ngành đóng vai trò động lực tăng trưởng mới.

Song Ngọc