|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những ô tô gánh doanh số cho các hãng tại Việt Nam

21:00 | 27/12/2023
Chia sẻ
Có hãng sở hữu 2-3 xe bán chạy như Kia, Toyota, Ford, có hãng gần như phụ thuộc vào một sản phẩm như Mitsubishi, Suzuki.

Thị trường ôtô Việt Nam có hàng trăm mẫu xe cho khách hàng lựa chọn từ hàng chục thương hiệu. Mỗi hãng có thế mạnh doanh số ở một hoặc nhiều phân khúc khác nhau, tương ứng là một hay nhiều sản phẩm bán chạy.

Dưới đây là những mẫu xe bán chạy nhất của từng thương hiệu phổ thông (số liệu lũy kế đến tháng 11/2023):

Hyundai 47.775 xe - Accent 14.700 xe (31% doanh số)

Ngoại trừ Elantra và hai mẫu mới mở bán là Palisade và Custin có doanh số thấp, Hyundai Thành Công có dải sản phẩm với thị phần doanh số khá đồng đều, không quá lệch hẳn về mẫu xe nào. Trong số này, Accent là mẫu xe thành công nhất của Hyundai tại Việt Nam với đóng góp thị phần khoảng 31%.

Một mẫu Accent lăn bánh tại Việt Nam. (Ảnh: Hyundai Thành Công).

Lượng bán 14.700 xe của Accent bỏ xa đối thủ Toyota Vios gần 4.000 xe khi năm 2023 chỉ còn một tháng 12. Vì thế, mẫu sedan cỡ B thương hiệu Hàn gần như chắc chắn soán ngôi vương phân khúc của Vios.

Tận dụng đối thủ Vios giảm nguồn cung từ đầu năm, rồi sau đó là bản nâng cấp nhưng gây nhiều tranh cãi, doanh số giảm, Hyundai Accent vươn lên chiếm ưu thế. Những lần giảm giá thường xuyên tại đại lý cùng nguồn cung ổn định giúp Accent thường xuyên góp mặt trong top 10 xe bán chạy hàng tháng.

Toyota 48.364 xe - Vios 10.499 xe (22% doanh số)

Vios thường tạo ra khoảng cách lớn với các đối thủ trong phân khúc và chính các sản phẩm trong nhà Toyota, nhưng năm 2023 lại khác. Đến tháng 11, lượng bán của Vios vẫn dẫn đầu Toyota nhưng chỉ hơn mẫu Corolla Cross khoảng 400 xe. Mức đóng góp thị phần chung của Vios khoảng 22%.

Một mẫu Vios lăn bánh trên cao tốc ở Hà Nội. (Ảnh: TMV).

Doanh số giảm liên tiếp ở nửa đầu 2023 khi các đại lý xả hàng tồn để chuẩn bị bản mới ra mắt. Tuy nhiên, lần nâng cấp về thiết kế và trang bị của Vios không tạo được cú hích doanh số. Chưa có năm nào như 2023, hãng Nhật khuyến mãi giảm giá cho mẫu xe chủ lực này nhiều đến vậy.

Mitsubishi 26.620 xe - Xpander 16.931 xe (64% doanh số)

Không kể trường hợp XL7 của Suzuki với doanh số nhỏ (chưa đến 2.500 xe), 64% thị phần là mức đóng góp cao nhất của một mẫu xe đối với thương hiệu tại Việt Nam. Xpander là trường hợp như vậy khi gần như một mình "gồng gánh" doanh số cho Mitsubishi. Hãng Nhật cần một sản phẩm mới có thể chia sẻ nhiệm vụ doanh số với mẫu MPV và Mitsubishi Xforce, chiếc CUV cỡ B sắp ra mắt tháng 1/2024 được kỳ vọng làm được điều đó.

Phiên bản Xpander Cross 2023 tại trường đua Đại Nam, Bình Dương. (Ảnh: Thành Nhạn).

Lượng bán gần 17.900 xe của Mitsubishi Xpander dẫn đầu phân khúc lẫn toàn thị trường ôtô. Nếu Mazda CX-5 không có tăng trưởng doanh số đột biến, Xpander nhiều khả năng lần đầu tiên trở thành mẫu xe bán chạy nhất Việt Nam.

Ford 29.888 xe - Ranger 14.173 xe (47% doanh số)

Những năm trước, Ford gần như chỉ trông đợi vào sức bán của Ranger, mẫu xe ăn khách nhất phân khúc hàng chục năm qua. Nhưng 2023, với thế hệ mới của Everest hay Territory, đóng góp thị phần cho Ford dàn trải hơn.

Bản cao cấp nhất Wildtrak của Ranger tại Việt Nam. (Ảnh: FVN).

Sau 11 tháng, Ranger bán hơn 14.100 xe, đóng góp khoảng 47% thị phần cho Ford. Thiết kế mạnh mẽ kiểu Mỹ hợp gu khách Việt, nhiều tiện nghi lẫn biến thể lựa chọn cùng lợi thế lắp ráp trong nước, tất cả giúp Ford Ranger gần như không gặp trở lại nào để thống trị doanh số phân khúc.

Kia 36.035 xe - Sonet 10.012 xe (28% doanh số)

Sonet là mẫu xe gây bất ngờ lớn nhất trong dải sản phẩm của Kia. Không phải K3 hay Seltos, những mẫu xe chủ lực nhiều năm qua của hãng Hàn, Kia Sonet mới là cái tên đóng góp thị phần lớn nhất với 28%.

Kia Sonet trong khuôn viên trụ sở của Thaco tại Quảng Nam. (Ảnh: Thaco).

Doanh số 10.012 xe của Sonet vượt trội hoàn toàn đối thủ Toyota Raize, thậm chí áp sát ngôi đầu doanh số của phân khúc xe gầm cao cỡ nhỏ nói chung (từ A+ đến C-) của Corolla Cross khi chỉ kém 50 xe sau 11 tháng. 5 tháng gần nhất, Sonet đều bán trên 1.000 xe/tháng.

Mazda 31.296 xe - CX-5 14.758 xe (47% doanh số)

Nâng cấp thiết kế lẫn trang bị nhưng giá giảm, phá vỡ mức sàn phân khúc 800 triệu đồng, Mazda CX-5 (749-999 triệu đồng hồi mới ra mắt) gây náo loạn thị trường. Doanh số của CX-5 liên tiếp tăng trưởng, lập đỉnh hơn 2.000 xe trong hai tháng 9, 10. Sau 11 tháng, CX-5 bán gần 14.800 xe, đóng góp khoảng 47% thị phần cho Mazda.

Maza CX-5 bản nâng cấp giữa chu kì tại nhà máy ở Quàng Nam. (Ảnh: Thaco).

Ngôi đầu phân khúc CUV cỡ C 2023 chắc chắn thuộc về CX-5 khi khoảng cách mẫu xe này tạo ra là quá lớn với các đối thủ xếp sau. Mẫu xe của Mazda là ứng viên nặng ký cho ngôi xe bán chạy nhất thị trường cùng với Xpander.

Honda 19.743 xe - City 8.391 xe (43% doanh số)

Trong một năm CR-V bán cầm chừng để chờ ra mắt thế hệ mới hồi tháng 10, Honda City tiếp tục dẫn dắt doanh số cho mảng xe ôtô của hãng Nhật tại Việt Nam. Lượng bán của City đạt gần 8.400 xe sau 11 tháng, đóng góp 43% thị phần cho Honda.

Biến thể RS của Honda City tại Hà Nội. (Ảnh: Lương Dũng).

Không như những phân khúc cao hơn, Honda định vị City ngang tầm với phần lớn các đối thủ về giá. Cùng với thiết kế trẻ trung, trải nghiệm lái nổi trội, mẫu sedan cỡ B thuộc Honda là một trong những mẫu xe ăn khách hàng đầu phân khúc lẫn thị trường.

Suzuki 3.524 xe - XL7 2.331 xe (66% doanh số)

Cả một năm 2023, Suzuki không có hoạt động nào ở mảng xe mới hoặc nâng cấp. Suzuki XL7 vẫn là dòng xe chủ lực của hãng Nhật tại Việt Nam với đóng góp 66% thị phần, xét riêng ở mảng xe con. Dòng xe chủ lực của Suzuki là chiếc Carry Pro ở mảng xe thương mại.

XL7 tại một đại lý Suzuki ở TP HCM. (Ảnh: Phạm Trung).

Khi Ertiga chuyển sang dùng động cơ hybrid, giá tăng, thị hiếu của khách hàng vốn thiên về lựa chọn XL7 càng tăng thêm. Suzuki XL7 cân đối hơn Ertiga về mặt thiết kế, trang bị nhưng giá không cao hơn nhiều. Trong 2024, Suzuki dự kiến sẽ mang về XL7 động cơ hybrid tương tự Ertiga.

Phạm Trung