|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nhân tài công nghệ bị Meta, Google, Twitter,... sa thải sẽ đi về đâu?

19:54 | 16/12/2022
Chia sẻ
Trong năm 2022, làn sóng sa thải nhân sự của các công ty công nghệ đang tăng nhanh, với việc một loạt ông lớn như Meta, Twitter, Google,... đã thông báo sa thải hàng nghìn lao động, gây ra nỗi lo về việc gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tốc độ sa thải nhân sự trong lĩnh vực công nghệ dường như đang diễn ra nhanh hơn so với dự tính của nhiều người. Theo CNBC, chỉ riêng trong tháng 11, đã có tới 76.835 nhân viên bị sa thải, con số tăng gần gấp đôi so với tháng 10.

Đầu tháng 11, gã khổng lồ truyền thông xã hội Meta đã thông báo rằng họ sẽ sa thải 11.000 người, tương đương 13% lực lượng lao động. Trong khi đó, kể từ khi Elon Musk tiếp quản vào tháng 10, Twitter cũng sa thải khoảng 3.000 nhân viên, tức khoảng một nửa lực lượng lao động của mình, theo tạp chí Time.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon cũng sẵn sàng với kế hoạch cắt giảm 10.000 lao động. Những Microsoft, Lyft và Stripe gần đây cũng đã công bố các đợt cắt giảm lao động với quy mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên, tổng số nhân sự bị sa thải, tính từ đầu năm đến nay, lại là mức thấp thứ hai trong lịch sử, theo báo cáo của Challenger, Grey & Christmas, cơ quan theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm kể từ năm 1993.

Meta (công ty mẹ Facebook) là một trong những công ty công nghệ sa thải nhân sự quy mô lớn trong năm nay. (Ảnh: CNBC).

Các nhân tài công nghệ sẽ đi về đâu?

Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng CFO của CNBC vào đầu tháng này ở Washington, D.C., chuyên gia kinh tế Diane Swonk của KPMG đã gạt bỏ những lo ngại về các đợt sa thải gần đây. Bà chia sẻ: “Tôi không quá lo lắng. Tôi tin rằng những nhân viên bị các công ty công nghệ sa thải có thể nhanh chóng kiếm được việc làm mới”.

Với việc nhu cầu về các lao động có tay nghề cao vẫn ở mức cao, một số câu hỏi đang được đặt ra là cuối cùng tất cả những tài năng bị các công ty công nghệ sa thải sẽ đi về đâu, và mất bao lâu để họ kiếm được việc làm mới.

Giữa những câu hỏi đó, họ còn một lựa chọn khác, làm việc cho Chính phủ liên bang.

Kurt DelBene, Giám đốc thông tin của Bộ Cựu chiến binh Mỹ cho biết ông đang thực hiện sứ mệnh thuê các nhà thiết kế, kỹ sư và tài năng công nghệ đã bị sa thải bởi các công ty như Meta, Google, Twitter và các công ty công nghệ khác trong thời gian gần đây để đối phó với bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn cũng như để tiết kiệm ngân sách.

DelBene đã có 30 năm làm việc tại Microsoft, bao gồm cả thời gian làm chủ tịch bộ phận Văn phòng trước khi gia nhập Bộ Cựu chiến binh Mỹ vào đầu năm nay. Ông hy vọng sẽ tận dụng được sự sẵn có của các tài năng công nghệ bị sa thải bằng cách định vị Bộ Cựu chiến binh Mỹ là nơi mà các kỹ sư và nhà thiết kế phần mềm có thể “thực sự say mê thiết kế và thiết kế lại các hệ thống mới” để biến cơ quan này trở thành một tổ chức ưu tiên sử dụng kỹ thuật số.

DelBene chia sẻ: “Việc xây dựng các phần mềm có hiệu suất cao cho cá nhân chỉ là một phần câu chuyện. Việc nghĩ về cách hệ thống công nghệ thông tin có thể mang lại lợi ích về mặt chăm sóc sức khỏe cho các cựu chiến binh, những người có công với đất nước, là một việc hoàn toàn khác”.

Làm việc cho các tổ chức chính phủ như Bộ Cựu chiến binh Mỹ có thể là một lựa chọn cho các nhân sự vừa bị những công ty công nghệ sa thải. (Ảnh: USNews).

Trả lương cao hơn để thu hút nhân tài

Tất nhiên, đây không phải lần đầu tiên các tổ chức chính phủ cố gắng thu hút nhân tài công nghệ từ các công ty tư nhân. Trong nhiều thập kỷ, các tổ chức chính phủ Mỹ đã thiếu nhân tài trong ngành công nghệ thông tin do mức lương thấp và các rào cản trong tuyển dụng cũng như bảo mật thông tin.

DelBene cho biết ông đang cố gắng xử lý những vấn đề này. Về mặt tiền lương, ông đang nỗ lực hành động để thu hẹp khoảng 60% khoảng cách lương tồn tại giữa các công việc ngành công nghệ tại những công ty tư nhân và tổ chức chính phủ bằng cách xây dựng mức lương đặc biệt cho các chuyên gia IT. Ông tin rằng các đề xuất sẽ được Văn phòng Quản lý Nhân sự phê duyệt vào đầu năm tới.

Ngoài ra, ông cũng đang tìm cách hợp lý hóa quy trình tuyển dụng để có thể đưa ra lời đề nghị cho những ứng viên phù hợp một cách nhanh chóng hơn. Mục tiêu trong năm tới là đưa khoảng 1.000 chuyên gia công nghệ thông tin mới vào làm việc tại Bộ Cựu chiến binh Mỹ. “Tôi nghĩ rằng tôi có thể thuê các nhân sự phù hợp với tiêu chuẩn theo cách riêng của chúng tôi”, ông DelBene chia sẻ.

Đó là một mục tiêu cao cả và cũng là một mục tiêu đi kèm với rất nhiều sự cạnh tranh. Simone Petrella, Giám đốc điều hành của CyberVista, một công ty đào tạo và phát triển an ninh mạng, cho biết hầu hết công việc trong lĩnh vực công nghệ bị cắt giảm liên quan đến các kỹ năng có khả năng chuyển đổi cao.

Cô cho biết, cho dù đó là một bộ kỹ năng công nghệ thuần túy hay có liên quan, chẳng hạn như nhân sự, tuyển dụng hoặc tiếp thị, những tài năng này đang được các công ty tư nhân trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bán lẻ, sản xuất và tài chính săn đón.

“Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực truyền thống, chậm chạp trong quá trình chuyển đổi số ở giai đoạn đại dịch COVID-19 có thể tăng tốc và sở hữu những tài năng mà trước đây họ không có cơ hội tuyển dụng”, Petrella nói.

Anh Nguyễn