|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nhà sáng lập các sàn giao dịch tiền điện tử mất 116 tỷ USD trong năm 2022

07:54 | 26/12/2022
Chia sẻ
Những sự sụp đổ mang tên TerraUSD hay FTX đã khiến nhiều nhà sáng lập các công ty và sàn giao dịch tiền điện tử trên toàn cầu chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của họ giảm mạnh trong năm 2022.

Vào tháng 1, Sam Bankman-Fried (SBF) đang thăng hoa. FTX của ông vừa huy động được 400 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng và đạt mức định giá 32 tỷ USD. Vài tuần sau, khi Forbes công bố danh sách Tỷ phú Thế giới hàng năm, SBF là người giàu thứ hai trong thế giới tiền điện tử, sở hữu khối tài sản ròng trị giá 24 tỷ USD.

Giờ đây, SBF đã rớt khỏi danh sách tỷ phú và đang chờ xét xử. Trước khi bị bắt, SBF đã nói với một số phương tiện truyền thông rằng tài khoản ngân hàng của mình đã giảm xuống còn 100.000 USD. Gary Wang, người đồng sáng lập khác của FTX và là cựu giám đốc công nghệ của công ty, cũng đã chứng kiến ​​giá trị khối tài sản ròng của mình, từng có lúc đạt mức 5,9 tỷ USD, bị xóa sổ.

Sự sụp đổ của FTX là một trong những điểm nhấn trong năm 2022 đối với lĩnh vực tiền điện tử. Trước đó, nhiều công ty cũng chứng kiến cảnh tương tự như TerraUSD hay quỹ phòng hộ tiền điện tử Three Arrows.

Điều này dẫn tới việc 17 nhà đầu tư và nhà sáng lập giàu có nhất lĩnh vực tiền điện tử đã mất khoảng 116 tỷ USD trong tổng giá trị khối tài sản ròng kể từ tháng 3, theo ước tính của Forbes. Trong đó, 15 người đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng giảm hơn một nửa giá trị trong 9 tháng qua và có 10 người đã rớt khỏi danh sách tỷ phú của Forbes.

Các tỷ phú tiền số đã trải qua năm 2022 đầy khó khăn. (Ảnh: Forbes).

Tỷ phú tiền số mất nhiều tiền nhất trong quãng thời gian trên là nhà sáng lập sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới Binance, Changpeng Zhao (CZ). CZ ước tính sở hữu 70% cổ phần trong Binance, hiện được Forbes định mức 4,5 tỷ USD, giảm từ mức 65 tỷ USD vào tháng 3.

CZ cũng là một trong những yếu tố khiến sàn FTX sụp đổ. Ngoài ra, CZ cũng phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng đối với các sàn giao dịch tập trung, đặc biệt là Binance, và các cuộc điều tra vẫn đang diễn ra đối với ông cũng như công ty của mình.

Trong những tuần gần đây, CZ đã tìm cách trấn an người dùng Binance rằng tiền gửi tiền điện tử của họ được hỗ trợ đầy đủ, ủy quyền cho công ty kế toán Mazars đưa ra các báo cáo "bằng chứng về dự trữ".

Những tuyên bố này, không bao gồm các khoản nợ phải trả, đã bị nhiều người chỉ trích là không đủ để cung cấp một bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính của công ty. Kể từ đó, Mazars đã tạm dừng công việc với các công ty tiền điện tử, làm tăng thêm sự không chắc chắn về tình hình tài chính của Binance và tương lai của sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới này.

Barry Silbert, người đứng đầu Digital Currency Group (DCG), cũng là trung tâm của sự chú ý trên thị trường tiền số. Một trong những tài sản chính của DCG, đơn vị cho vay tiền điện tử Genesis Global Capital, nợ các chủ nợ ít nhất 1,8 tỷ USD.

Ngoài ra, DCG đang phải gánh nhiều khoản nợ. DCG giả định khoản nợ 1,1 tỷ USD từ Genesis, bắt nguồn từ khoản vay khó đòi mà Genesis đã thực hiện cho quỹ phòng hộ Three Arrows hiện đã phá sản. DCG cũng nợ Genesis khoản nợ 575 triệu USD khác, sẽ đáo hạn vào tháng 5/2023. DCG cũng nợ công ty đầu tư Elridge 350 triệu USD nếu Genesis phá sản, Financial Times đưa tin.

Để duy trì hoạt động, Silbert có thể sẽ phải huy động vốn bên ngoài hoặc phá bỏ đế chế tiền điện tử DCG của mình, bao gồm khoảng 200 khoản đầu tư vào các công ty tiền điện tử và mã thông báo. Forbes ước tính giá trị các khoản nợ chưa thanh toán của DCG lớn hơn giá trị thị trường hợp lý của tài sản của công ty trong bối cảnh thị trường hiện tại. DCG cũng có thể gặp khó khăn trong việc giảm tải các khoản cược kém thanh khoản.

Vì những lý do này, Forbes ước tính giá trị hiện tại của 40% cổ phần mà Silbert nắm giữ trong DCG là khoảng 0 USD. Các khoản đầu tư cá nhân của Silbert không thể được xác định. Người phát ngôn của DCG từ chối bình luận.

Các tỷ phú tiền số mất nhiều tiền nhất năm 2022. (Nguồn: Forbes).

Đối với Brian Armstrong, CEO của sàn giao dịch Coinbase, sự sụp đổ của FTX là cơ hội để tấn công. Vào ngày 8/11, trong những giờ hỗn loạn sau khi Binance tuyên bố dự kiến tiếp quản sàn FTX, Armstrong cũng tuyên bố tầm nhìn của mình về tiền điện tử trong khi chỉ trích CZ.

“Coinbase và Binance đang theo những cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi đang cố gắng tuân theo một cách tiếp cận được quản lý và đáng tin cậy. Thành thật mà nói, chúng tôi đang chọn tuân theo các quy tắc. Đó là một con đường khó khăn hơn, nhưng tôi nghĩ đó là chiến lược dài hạn đúng đắn”, Armstrong chia sẻ.

Các nhà đầu tư dường như không quan tâm. Giá cổ phiếu Coinbase đã giảm 64% kể từ tháng 8 và hơn 95% so với đợt IPO trị giá 100 tỷ USD vào tháng 4/2021, qua đó xóa sạch phần lớn tài sản ròng của Armstrong.

Nikil Viswanathan và Joe Lau, những người sáng lập Alchemy, một công ty phần mềm tiền điện tử cung cấp năng lượng cho các dự án Web3 khác, cũng đã rời khỏi câu lạc bộ tỷ phú, dựa trên mức giảm giá ước tính của cổ phần mà họ nắm giữ trong Alchemy.

Theo Viswanathan, sự sụp đổ của FTX “làm tổn thương nhận thức của người tiêu dùng về thị trường tiền điện tử”. Tuy nhiên, Alchemy vẫn tiếp tục phát triển dù thị trường đang lao dốc. “Sự khác biệt là trong Web3, chúng tôi đã thấy hoạt động của nhà phát triển tăng tốc ngay cả trong những thời điểm hỗn loạn nhất, điều này cho thấy một cộng đồng các nhà phát triển hướng đến sứ mệnh cực kỳ mạnh mẽ”, Viswanathan chia sẻ.

Jed McCaleb, đồng sáng lập của công ty tiền điện tử Ripple, được cho là người duy nhất kiếm được nhiều tiền từ tiền điện tử và đã giữ lại phần lớn tài sản ròng của mình trong thời kỳ suy thoái. Tuy nhiên, theo Forbes, điều này xảy ra là vì ông đã bán hết gần như toàn bộ khoản đầu tư tiền số nắm giữ trước khi thị trường lao dốc.

McCaleb đã bán một số lượng đồng XRP trị giá 2,5 tỷ USD, mã thông báo gốc của Ripple, từ tháng 12/2020 đến tháng 7, hoàn thành thỏa thuận phân tách mà ông đã ký với những người sáng lập khác của Ripple vào năm 2013. Hiện nay, đồng XRP được giao dịch quanh mức 0,4 USD, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, khi McCaleb bán phá giá các mã thông báo XRP trị giá hàng triệu USD mỗi tuần.

Anh Nguyễn