Những người giàu nhất thế giới đang 'né' thuế như thế nào?
Theo CNN, tỷ phú Jeff Bezos, Michael Bloomberg, Warren Buffett và Elon Musk... là những người thuộc hàng giàu nhất nước Mỹ và thế giới nhưng dường như không ai trong số họ nộp thuế thu nhập liên bang trong nhiều năm. Sở Thuế vụ Liên bang Mỹ (IRS) đã soi xét rất kỹ hồ sơ của nhóm người này.
ProPublica, một tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận, tổng hợp các thông tin trên từ một nguồn ẩn danh đã công bố khai báo thuế của những người giàu nhất nước trong hơn 15 năm. Họ nói đây chỉ là một phần trong các báo cáo thuế mà tổ chức này sẽ còn tung ra thêm nữa.
Bài viết của ProPublica đã phân tích lý do những tỷ phú giàu có không đóng thuế lại là điều hợp pháp. Theo đó, luật thuế của Mỹ tập trung vào thu nhập, trong khi phần lớn tài sản của nhóm siêu giàu lại đến từ giá trị cổ phiếu của công ty hoặc các khoản đầu tư khác có giá trị thực. Cách tính thuế cho khoản thu nhập này cũng khác so với thu nhập tính bằng tiền lương.
Một số tính toán của Forbes cho rằng tỷ phú Amazon Jeff Bezos đã kiếm được 99 tỷ USD tài sản từ năm 2014 đến năm 2018. Trong khoảng thời gian đó, ông Bezos kê khai thu nhập 4,22 tỷ USD và nộp thuế thu nhập 973 triệu USD. Số tiền thuế phải nộp chiếm khoảng 20% thu nhập của ông. Cũng trong giai đoạn đó, tài sản của ông Bezos cũng tăng lên.
Thế nhưng, ở Mỹ, chủ sở hữu bất động sản hay quỹ hưu trí tư nhân sẽ không bị chính phủ liên bang đánh thuế hàng năm kể cả khi giá trị tài sản của họ có tăng lên.
Ngoài ra, ProPublica cũng tiết lộ rằng người giàu thường vay ngân hàng để đầu tư cho bất động sản hoặc cổ phiếu và việc trả lãi suất ngân hàng thì lại thấp hơn so với thuế thu nhập ở Mỹ. Tuy nhiên, các khoản vay cũng được xem là thu nhập, theo CNN.
Trước đó, ông Jeff Bezos và ông Elon Musk lần lượt là người giàu nhất và nhì thế giới hiện nay, đã nói với chính phủ liên bang rằng họ không nợ thuế thu nhập. Dù ủng hộ việc tăng thuế đối với người giàu nhưng cả ông Michael Bloomberg và ông Warren Buffett đều không phải đóng thuế thu nhập trong một vài năm. Chủ tịch của Berkshire Hathaway từng thừa nhận ông đã có lần trả thuế tháp hơn cả thư ký của mình.
Lý do giải điều này, ông Warren Buffett hầu như bị đánh thuế chủ yếu là trên thặng dư vốn như một nhà đầu tư chứ không phải theo lương hay thu nhập như nhân viên của ông.
Theo Investopedia, trong suốt 25 năm qua, Buffett chỉ nhận mức lương khiêm tốn là 100.000 USD/năm với tư cách là CEO của Berkshire Hathaway còn phần lớn thu nhập của ông đến từ đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Một nhà đầu tư có tên là Carl Icahn nói với ProPublica: “Người ta gọi nó là thuế thu nhập là có lý do cả. Bất kể anh là người giàu hay người nghèo, thậm chí là chủ Apple, nếu không có thu nhập, anh không phải đóng thuế”.
Chính phủ Mỹ có chính sách ưu đãi cho những công ty tạo ra nhiều việc làm, trong đó có việc giảm thuế. Theo CNBC, tập đoàn Berkshire Hathaway của Warren Buffett đã tạo ra 360.000 việc làm tại 25 văn phòng và công ty con. Trong khi đó, Amazon của Jeff Bezos đã tạo ra 647.000 việc làm. Và dĩ nhiên, chính phủ sẽ tạo điều kiện giảm thuế để họ có thể bù đắp lại những chi phí kể trên.
Ngoài ra, một loại thuế khác nữa mà các tỷ phú vẫn nộp thuế đầy đủ là khoản thu nhập đến từ cổ phiếu của họ. Tuy nhiên, mức thuế doanh nghiệp chỉ là 21%, thấp hơn rất nhiều so với mức cao nhất trong khung thuế thu nhập cá nhân là 37%. Mức này được áp dụng đối với các cá nhân có thu nhập hàng năm từ 523.000 USD trở lên.
Về lý thuyết, việc công bố thông tin thuế của một cá nhân là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ProPublica lập luận rằng hành động của họ liên quan đến lợi ích của công chúng.