Những lưu ý khi giao dịch ngân hàng để tránh mất tiền trong dịp Tết Nguyên đán 2025
Giao dịch ngân hàng những ngày Tết cần lưu ý gì?
Theo thông báo từ các ngân hàng, lịch nghỉ Tết được nghỉ dịp tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25/1/2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến hết Chủ nhật ngày 2/2/2025 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Trong khoảng thời gian nghỉ lễ, gần như tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc đều ngừng giao dịch trong thời gian nghỉ tết, trừ một số phòng giao dịch đặc biệt (như sân bay). Tuy nhiên, hệ thống ATM/POS, kênh ngân hàng điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) và đường dây nóng ngân hàng vẫn hoạt động bình thường.
Hiện nay với tính năng chuyển tiền nhanh Napas 24/24, người dùng có thể thực hiện chuyển tiền kể cả cùng hệ thống và khác hệ thống một cách nhanh chóng và tức thì. Tuy nhiên, đối với từng khách hàng và ngân hàng, hạn mức giao dịch trên online là khác nhau, có thể lên tới hàng tỷ đồng hoặc không giới hạn.
Để có thể thực hiện những giao dịch nằm trong nhu cầu của mình, người dùng nên kiểm tra lại hạn mức giao dịch trên kênh online của mình và thực hiện điều chỉnh tăng/giảm nếu cần.
Đồng thời, khách hàng cũng phải lưu ý thực hiện xác thực sinh trắc học nhằm đảm bảo các giao dịch thanh toán trực tuyến tại các ngân hàng thương mại và ví điện tử.
Theo quy định của thông tư 17 và thông tư 18 năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán/chủ thẻ ngân hàng không thể thực hiện các giao dịch trực tuyến như rút tiền, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nạp tiền... nếu chưa xác thực thông tin sinh trắc học.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, hiện này nhiều ngân hàng đã triển khai dịch vụ trọn gói các giao dịch từ chuyển tiền, thanh toán cũng như mở L/C,... trên kênh online. Để nắm rõ hơn về các dịch vụ và nhu cầu của mình, các doanh nghiệp nên liên hệ tới các ngân hàng để được các nhân viên tư vấn rõ hơn về các dịch vụ này.
Đối với các giao dịch tín dụng, tất cả việc xử lý hồ sơ đều bị tạm dừng trong kỳ nghỉ lễ, do đó khách hàng cần lưu ý với các ngày thanh toán nợ và lãi của mình để có các ứng xử phù hợp.
Theo số liệu từ NHNN, trong 11 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị.
Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị. Đặc biệt giao dịch qua QR Code tăng tới 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị;
Giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.
Lưu ý khi giao dịch online để tránh mất tiền
Gần đây,các ngân hàng liên tục phát đi cảnh báo, khuyến cáo người dùng cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo "cuỗm" tiền trong tài khoản.
Vietcombank cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khách hàng cài đặt app giả mạo ứng dụng của các cơ quan Nhà nước như app giả mạo Dịch vụ công, Cơ quan thuế, VNeID... Sau khi các ứng dụng giả mạo được cài đặt, kẻ gian sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Kẻ gian còn mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để "xác minh"; gọi điện thông báo trúng thưởng hoặc nhận quà khuyến mãi, yêu cầu chuyển khoản phí...
Đáng chú ý, nhiều khách hàng gần đây phản ánh việc nhận được tin nhắn giả mạo ngân hàng qua SMS hoặc các mạng xã hội như Facebook, Zalo..., thông báo tài khoản "bị khóa" hoặc "có giao dịch bất thường". Nếu nhấp vào đường link trong tin nhắn và nhập thông tin đăng nhập, mã OTP, khách hàng có nguy cơ mất toàn bộ tiền trong tài khoản.
Để bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân, các ngân hàng lưu ý khách hàng không chia sẻ thông tin cá nhân như tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP cho bất kỳ ai; tránh nhấp vào các đường link lạ trong tin nhắn hoặc email; sử dụng ứng dụng ngân hàng chính thức để kiểm tra tài khoản thay vì tìm kiếm qua các nguồn không đáng tin cậy; kích hoạt các tính năng bảo mật nâng cao, chẳng hạn như xác thực hai lớp.
Đồng thời, khách hàng cần bảo quản cẩn thận thẻ vật lý, số thẻ và bảo mật mã số PIN, các mã số xác nhận giao dịch (CVC2 và OTP); thường xuyên kiểm tra thông báo giao dịch, biến động số dư để kịp thời phát hiện giao dịch gian lận nếu có; khóa thẻ ngay lập tức khi phát hiện mất thẻ hoặc thấy nghi ngờ thẻ bị lộ thông tin, bị lợi dụng.
Làm gì khi app ngân hàng bị lỗi?
Tình trạng app ngân hàng bị lỗi trong những dịp nghỉ lễ không phải hiếm gặp trong các năm trở lại đây do nhu cầu thanh toán và sử dụng dịch vụ tăng cao vào dịp này. Vậy khi app ngân hàng bị lỗi người dùng cần làm gì?
Với các khách hàng có nhu cầu chuyển tiền, ngoài cách sử dụng ứng dụng của các ngân hàng khác nhau, sử dụng ATM cũng là một trong những giải pháp thay thế.
Hiện nay, dịch vụ chuyển tiền qua ATM có hỗ trợ tính năng chuyển tiền khác ngân hàng. Các trụ ATM hoạt động 24/7 và được phân bố ở nhiều địa điểm khác nhau, giúp người dùng có thể dễ dàng chuyển tiền bất kỳ vào thời gian nào.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hiện nay đã trang bị máy CDM (ATM đa chức năng) như Agribank, Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank, TPBank, VPBank, ACB,... hỗ trợ khách hàng nạp tiền trực tiếp vào tài khoản thông qua các máy này.
Trong trường hợp cần khoá thẻ, đóng thẻ, truy suất giao dịch, người dùng cần gọi ngay tổng đài hỗ trợ của ngân hàng để được tư vấn phương án xử lý hợp lý nhất.
Trong dịp nghỉ Tết, các ngân hàng cũng duy trì đường dây nóng 24/24 để giải quyết thắc mắc và khiếu nại của khách hàng về dịch vụ, sản phẩm. Do vậy, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với các tổng đài để được hướng dẫn thực hiện các giao dịch ngân hàng hoặc báo sự cố trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2025.