|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những lo ngại hiệu quả tại dự án nhiệt điện của PVN

16:13 | 28/09/2019
Chia sẻ
Uỷ ban Quản lí vốn Nhà nước nêu một loạt lo ngại về hiệu quả của dự án Nhiệt điện Long Phú 1 do PVN là chủ đầu tư.

Dự án này bị ngưng trệ do tổng thầu EPC - Power Machines (Nga) vướng lệnh cấm vận của Mỹ từ đầu năm 2018. 

Tại văn bản trả lời PVN, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước cho biết, khoảng 20.000 tấn máy móc, thiết bị của dự án đang lưu kho, lưu bãi chưa thể lắp đặt do nhà thầu PM cấp không đủ, hoặc không cấp đúng trình tự để lắp đặt.

Vấn đề bảo quản máy móc, thiết bị đã từng được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra với PVN tại cuộc họp cuối tháng 6/2019. Ông yêu cầu tập đoàn này phối hợp với nhà thầu có biện pháp bảo quản để thiết bị chưa được lắp đặt không bị han gỉ, hỏng hóc, gây thiệt hại cho dự án.

Lo ngại khác là dự án chưa xác định được tiến độ khả thi do nhà thầu PM không tiếp tục thực hiện hợp đồng EPC vì gặp vướng mắc từ lệnh cấm vận. "Các yếu tố này cho thấy dự án rất khó khăn, khó có thể hoàn thành và đáp ứng yêu cầu đầu tư hiệu quả", Uỷ ban vốn nêu.

Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của PVN hiện rất hạn hẹp. Uỷ ban vốn nhấn mạnh, "tập đoàn này cần làm rõ khả năng triển khai thực hiện hoàn thành dự án theo đề xuất, kiến nghị tập đoàn và chịu trách nhiệm".

Những lo ngại hiệu quả tại dự án nhiệt điện của PVN - Ảnh 1.

Dự án nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 ngừng trệ do lệnh cấm vận của tổng thầu PM. Ảnh: H.Thu

Về phía PVN, tập đoàn này đề nghị tăng tổng mức đầu tư thêm 11.600 tỷ đồng, từ 29.580 tỷ lên 41.200 tỷ đồng và cho phép sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh...

Tuy nhiên, Uỷ ban vốn không nói rõ đồng ý hay không cho PVN tăng vốn mà dẫn ra loạt quy định pháp luật về điều chỉnh vốn đầu tư với dự án dùng vốn ngân sách và không dưới một lần nhấn mạnh các quyết định của PVN đưa ra phải đúng quy định pháp luật.

Theo Uỷ ban, trường hợp điều chỉnh vốn đầu tư chủ đầu tư phải có phương án giải trình, chứng minh hiệu quả bổ sung do tăng vốn đem lại. 

Nếu điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí (gồm chi phí dự phòng) nhưng không làm thay đổi giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt thì chủ đầu tư tự điều chỉnh và chịu trách nhiệm.

Về đề nghị cho phép PVN sử dụng vốn chủ sở hữu vượt 30% giá trị tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh, theo Uỷ ban vốn, thẩm quyền quyết định thuộc về Hội đồng thành viên PVN, và nhấn mạnh "quyết định đưa ra phải đúng quy định pháp luật".

Cơ quan này cũng nói, việc sử dụng chi phí dự phòng của dự án để chi trả cho các khoản chi phí phát sinh của hợp đồng EPC cần thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên PVN. "Lãnh đạo PVN có quyền quyết định việc sử dụng chi phí này.

Chia sẻ về dự án Long Phú 1, ông Đinh Văn Sơn, thành viên Hội đồng thành viên PVN cho rằng, những khó khăn của dự án là khách quan với PVN, khi nhà thầu PM (Nga) vướng phải lệnh cấm vận của Mỹ. "Hiện chúng tôi phải quản lý, bảo dưỡng để các thiết bị, vật tư không bị hỏng", ông Sơn nói.

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 của PVN có vốn đầu tư 29.580 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD). Kế hoạch ban đầu là hoàn thành các tổ máy trong 45-49 tháng, tổ máy 1 (30/10/2018) và tổ máy 2 (29/2/2019). 

Với diện tích xây dựng 115 ha, khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh điện. Đến nay tiến độ của dự án đang chậm và chưa rõ ngày về đích.

Anh Minh