Không chỉ dẫn đầu nhiệt điện than, Bình Thuận còn muốn là trung tâm điện gió, mặt trời của Việt Nam
Thông tin từ Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 ngày 22/9, lãnh đạo tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án điện gió, điện mặt trời với tổng vốn đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng.
Đồng thời kí thỏa thuận ghi nhớ đăng kí đầu tư cho 14 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng kí 19 tỉ USD và gần 30,7 tỉ đồng trên nhiều lĩnh vực.
Theo Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, với tiềm năng và lợi thế về phát triển năng lượng sạch, Bình Thuận sẽ trở thành một trung tâm sản xuất điện gió, mặt trời lớn của cả nước.
Ngoài ra, hiện nay, tại Bình Thuận còn có Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân với tổng công suất trên 4.200 MW gồm Vĩnh Tân 1 công suất 1.200 MW, Vĩnh Tân 2 công suất 1.244 MW, Vĩnh Tân 4 công suất 1.200 MW và Vĩnh Tân mở rộng công suất 600 MW, là một trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước.
Theo báo Chính phủ, tỉnh Bình Thuận được qui hoạch là trung tâm năng lượng quốc gia với tổng công suất trên 12.000 MW vào năm 2020.
Theo đó, Bình Thuận sẽ tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kĩ thuật hiện đại, chú trọng các dự án đảm bảo thân thiện với môi trường.
Các lĩnh vực cụ thể gồm công nghiệp chế biến nông - lâm - thuỷ - hải sản, chế biến khoáng sản titan (không xuất thô), chế biến thành phẩm từ nguồn tro xỉ của nhà máy nhiệt điện như phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng không nung và các sản phẩm làm đường giao thông...
Ngoài ra, mở rộng, phát triển năng lượng sạch, nhất là năng lượng tái tạo ngoài khơi, kêu gọi đầu tư sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng như sản xuất tấm pin mặt trời, chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị điện dưới nước…