|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bình Thuận đưa vào hoạt động nhà máy nhiệt điện trị giá hơn 36.000 tỉ đồng

20:18 | 21/09/2019
Chia sẻ
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất 1.200 MW sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, ước tính sẽ cung cấp khoảng 7,2 tỉ kWh điện mỗi năm cho Bình Thuận.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4  vừa chính thức khánh thành tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận hôm 21/9.

Với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỉ đồng và tỉ lệ nội địa hóa cao khoảng 26%, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất 1.200 MW, là nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi siêu tới hạn, đốt than nhập khẩu.

Đây là công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lí và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Sản lượng điện sản xuất của nhà máy vào khoảng 7,2 tỉ kWh/năm với sản lượng than nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn/năm.

Đây cũng là một trong những công trình tạo tiền đề để xây dựng tỉnh Bình Thuận thành trung tâm năng lượng của cả nước, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận nói riêng, khu vực phía Nam và cả nước nói chung.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: "Dự án đưa vào vận hành đã cung ứng sản lượng điện rất lớn cho hệ thống điện quốc gia, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án nguồn điện lớn khác bị chậm tiến độ, có những dự án rất khó khăn, chưa có giải pháp tháo gỡ".

Phó Thủ tướng yêu cầu EVN trong thời gian tới cần quản lí, vận hành nhà máy an toàn để góp phần đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành sản xuất.

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch EVN cho biết, kể từ khi đưa vào vận hành, các tổ máy đều phát huy được công suất thiết kế, kịp thời bổ sung sản lượng thiếu hụt của hệ thống điện trong mùa khô năm 2018 và 2019. Đến nay, nhà máy đã phát lên lưới sản lượng điện trên 10,6 tỉ kWh.

Cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, hàng năm, Việt Nam cần bổ sung 5.000 - 6.000 MW công suất nguồn điện mới, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Do vậy, Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, EVN cần phải đẩy mạnh huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình điện, khuyến khích các dự án sử dụng vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lí đầu tư,... đảm bảo đủ điện đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước với chất lượng ngày càng cao.

Như Huỳnh