|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những lí do khiến chuyển đổi ngân hàng ảo còn gặp khó khăn

16:42 | 21/11/2019
Chia sẻ
Pháp lí, lợi nhuận, an ninh đang là những nguyên nhân khiến việc triển khai ngân hàng ảo ở Việt Nam còn gặp khó khăn.

Sáng ngày 21/11 trong khuôn khổ sự kiện thường niên FPT Techday 2019, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính số đã có buổi thảo luận về chuyển đổi ngân hàng ảo trong kỉ nguyên hiện đại.

Ông Alex Kling, Giám đốc ngân hàng ảo EY Singapore, cho rằng ngân hàng ảo, hay fintech đang có những ưu thế vượt trội so với ngân hàng truyền thống. 

Thứ nhất, ngân hàng ảo hầu như hoạt động trên nền tảng trực tuyến. So với ngân hàng truyền thống; ngân hàng ảo đã tiết kiệm được một khoản chi phí lớn để phát triển hệ thống chi nhánh, văn phòng.

Tiếp đến là sức mạnh của công nghệ. Công nghệ sẽ giúp tự động hóa nhiều qui trình, đảm bảo tính chính xác, minh bạch của giao dịch. Hơn thế nữa, ngân hàng ảo hoạt động theo thời gian thực, trong khi đó ngân hàng truyền thống hầu hết chỉ làm việc theo giờ hành chính.

ADM_5949

Ông Alex Kling, Giám đốc ngân hàng ảo EY Singapore chỉ ra nhiều điểm ưu việt của ngân hàng ảo so với mô hình ngân hàng truyền thống

Hơn thế nữa, ngân hàng ảo hoàn toàn có thể lựa chọn và tập trung phát triển tập khách hàng theo một phân khúc riêng. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp tìm hiểu khách hàng đang có nhu cầu gì, từ đó tư vấn được gói sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Bên cạnh những tính ưu việt so với ngân hàng truyền thống, ông Kling còn nhấn mạnh thông tin nền tảng của khách hàng chính là một dạng tài sản cực kì lớn của ngân hàng ảo.

Mặc dù mô hình ngân hàng ảo đang có nhiều ưu điểm, nhưng tại thị trường Việt Nam hầu hết vẫn là mô hình ngân hàng truyền thống. Theo nhận định của ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch hội đồng thành viên FPT IS, Việt Nam cũng đã có những mô hình ngân hàng ảo, hay fintech, nhưng chưa thật sự thành công.

"Các ngân hàng hiện mới chỉ số hóa qui trình nội bộ ở một số chi nhánh, chứ chưa thể thật sự coi là đã chuyển đổi sang mô hình ngân hàng ảo", ông Triều nhận định.

Bên cạnh đó, ông Triều chỉ ra 3 nguyên nhân khiến việc triển khai ngân hàng ảo ở Việt Nam còn gặp khó khăn.

Vấn đề pháp lí đang là rào cản lớn với mô hình ngân hàng ảo. Hiện tại vẫn chưa có những cơ chế sandbox (khung pháp lí thử nghiệm) với mô hình fintech. Do đó việc kiểm soát rủi ro vẫn là một điều mà Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm.

ADM_5979

Ông Dương Dũng Triều cho rằng ngân hàng ảo tại Việt Nam vẫn đang gặp nhiều rào cản.

Nguyên nhân tiếp theo đến từ vấn đề lợi nhuận. Rõ ràng việc chuyển đổi sang mô hình ngân hàng ảo sẽ tốn một khoản tiền rất lớn trong hiện tại, trong khi tương lai gần thì mức doanh thu chưa chắc đã đủ để bù đắp. Do đó, những nhà lãnh đạo buộc phải cân nhắc lợi ích đầy đủ trước khi đưa ra quyết định.

Thêm nữa, vấn đề công nghệ chưa kiện toàn khiến cho việc chưa thể bùng nổ ngân hàng ảo ở Việt Nam. Ông Triều cho rằng mô hình ngân hàng ảo ở Việt Nam vẫn triển khai tương đối chắp vá và chưa có kiến trúc chuẩn.

Ngoài ra, an ninh cũng đang là một rủi ro cực lớn đối với ngân hàng ảo. Theo ông Robert Trọng Trần, Trưởng dịch vụ tư vấn an ninh mạng Việt Nam, cứ 100 công ty Fintech thì có tới 98 đơn vị có lỗ hổng an ninh. Do đó, nếu muốn đảm bảo an toàn về thông tin, các doanh nghiệp cần có một chiến lược rõ ràng để bảo vệ dữ liệu khách hàng - một trong những tài sản lớn nhất cảu công ty.

Lê Quý

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.