|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

'Những khó khăn nhất của TTCK đã qua'

14:07 | 19/12/2022
Chia sẻ
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng thị trường chứng khoán thường phản ánh trước so với diễn biến nền kinh tế. Những tín hiệu tích cực vừa qua cho thấy khó khăn nhất của thị trường chứng khoán dường như đã qua rồi và sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 hôm 17/12, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK Nhà nước, Bộ Tài chính, cho rằng mặc dù năm 2023 còn nhiều khó khăn về lạm phát nhưng tín hiệu tích cực khác rất rõ ràng. 

Tính đến giữa tháng 12 đã có chuyển biến tích cực khi khối ngoại quay trở lại với giá trị mua ròng khoảng 19.000 tỷ đồng và VN-Index phục hồi mạnh mẽ khi tăng 21% so với so với so với đáy của hơn 1 năm thiết lập hôm 16/11. 

 Chỉ số VNINDEX phục hồi mạnh mẽ khi tăng 21% so với so với so với đáy của hơn 1 năm thiết lập hôm 16/11. (Nguồn: Fire Ant)

“Thị trường chứng khoán thường phản ánh trước so với diễn biến nền kinh tế. Những tín hiệu tích cực vừa qua cho thấy khó khăn nhất của thị trường chứng khoán dường như đã qua rồi và sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong trung và dài hạn”, bà Bình nói.

Theo bà, trong thời gian tới động lực cho thị trường chứng khoán sẽ đến từ những thay đổi trong chính sách về thị trường trái phiếu, bất động sản, tiền tệ. Năm 2023, nền kinh tế sẽ hấp thụ những lợi ích của việc thực thi những chính sách này. 

 Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK Nhà nước, Bộ Tài chính. Ảnh: H.Mĩ

Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng bước sang năm 2023, trước tình hình lạm phát Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt trong một vài tháng vừa qua, FED được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm cường độ tăng lãi suất. Áp lực tỷ giá trong nước theo đó cũng sẽ giảm dần.

Ngoài ra, dịch bệnh được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục. Hoạt động doanh nghiệp dù khó khăn hơn trong bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới nhưng vẫn khả quan.

Nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF (tháng 10/2022) dự báo tăng trưởng GDP thực của Việt Nam cao nhất trong ASEAN, đạt 7% trong năm 2022 và 6,2% trong năm 2023. 

Ngoài ra, chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang ở mức 11,3 và được đánh giá ở mức hấp dẫn, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới. Tất cả những yếu tố trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.