Những dự án đất vàng Sài Gòn của đế chế Vạn Thịnh Phát do bà Trương Mỹ Lan làm chủ
Bà Trương Mỹ Lan và 9 thành viên trong gia đình rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam |
Mới đây, báo chí thông tin về việc bà Trương Thị Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được trả hồ sơ vào tháng 6/2015. Các thành viên trong gia đình này từng có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam từ năm 2014.
Bà Trương Thị Mỹ Lan là người lập ra Tập đoàn Vạn Thịnh Phát – một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay. Tại thời điểm thành lập vào năm 1922, doanh nghiệp có tên Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, hoạt động chính trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn, sau đó mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS).
Đến nay, tập đoàn đã sở hữu nhiều công ty con như: Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group Holdings); CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát – VTP Group; CTCP Đầu tư An Đông; CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam và CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula.
Tòa nhà Time Square trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. (Ảnh: designs.vn) |
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là cái tên quen thuộc trong giới địa ốc khi làm chủ quỹ đất lớn với hàng loạt dự án BĐS đình đám tại TP HCM. Trước tiên phải kể đến tòa nhà Time Square nằm trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) - quỹ đất vàng của TP HCM. Mặc dù, Vạn Thịnh Phát đang có đến 5 dự án trên đường Nguyễn Huệ (chiếm 1/3 diện tích các dự án trên con đường "kim cương" này), nhưng đây là dự án duy nhất mà tập đoàn đầu tư đã hoàn thiện và đưa vào khai thác.
Tòa nhà có hai mặt tiền đường Đồng Khởi và Nguyễn Huệ. Tháp giáp đường Nguyễn Huệ có khách sạn 6 sao đầu tiên ở Việt Nam, trên nóc có bãi đỗ trực thăng, tháp giáp đường Đồng Khởi là khu căn hộ cao cấp. Dự án có tổng kinh phí đầu tư khoảng 7.505 tỷ đồng (chưa tính tiền phí sử dụng đất), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 4.680 tỷ đồng; chi phí thực hiện 2.825 tỷ đồng.
Đối diện tòa nhà Times Square là khu đất tứ giác có 4 mặt tiền Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế, cũng được thành phố chỉ định thầu cho liên doanh Công ty Larkhall Holding và CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát là nhà đầu tư từ năm 2016. Khu đất có diện tích khoàng 1,31 ha và hiện vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Trước đó, Vạn Thịnh Phát đã có văn bản xin thành phố cho phép đầu tư cao ốc cao tối đa 40 tầng tại đây.
Khu đất dự kiến xây dựng tà tháp SJC tại quận 1. (Ảnh: Zing) |
Ngay tại trung tâm quận 1, doanh nghiệp của bà Mỹ Lan còn có một dự án được khởi công từ cuối năm 2016 – đó là tháp SJC, nằm tại khu đất tứ giác giới hạn bởi các tuyến đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực. Tuy nhiên, khu đất này sau đó được cho thuê làm bãi giữ xe, đến nay bãi giữ xe đã đóng cửa nhưng vẫn chưa có hoạt động thi công tại đây.
Riêng tại quận 3, TP HCM, Vạn Thịnh Phát đã có đến ba dự án quy mô. Đó là Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence cao 16 tầng, diện tích đất 2.523,4 m2, nằm tại khu cư trú của ngoại giao đoàn, số 220 – 220A đường Pasteur; cao ốc Sherwood Residence địa chỉ tại số 127 đường Pasteur, có 240 căn hộ du lịch; biệt thự Pháp cổ trị giá 35 triệu USD (hơn 700 tỷ đồng), rộng 2.819,5 m2, nằm tại giao lộ Võ Văn Tần – Bà Huyện Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu.
Dự án An Đông Plaza – Winsor Hotel (18 đường An Dương Vương, quận 5) cao 25 tầng, có tổng vốn đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Dự án cũng có khách sạn Winsor Hotel đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam, gồm 400 phòng lưu trú, trung tâm thương mại (TTTM), nhà hàng, phòng hội nghị…
TTTM Vincom A hiện đã bị thâu tóm và đổi tên thành Union Square. (Ảnh: vinalo.com) |
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hiện còn là chủ sở hữu của nhiều TTTM lớn khác. Ngay đầu phố Nguyễn Huệ, có 4 mặt tiền và gần trụ sở UBND TP HCM là TTTM Vincom A, đã bị thâu tóm chỉ 2 năm sau khi khánh thành và đổi tên thành Union Square (năm 2013). Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn VIPD – đơn vị chi 10.000 tỷ đồng để mua dự án. Tòa nhà hiện đã đóng cửa suốt 4 năm để sửa chữa, CĐT đang điều chỉnh thiết kế để biến nơi đây thành khách sạn 6 sao.
Tại quận 5, Tập đoàn đang sở hữu một dự án đặc biệt là Thuận Kiều Plaza (190 đường Hồng Bàng, quận 5) – dự án được cho là “hồi sinh” sau 20 năm chết đứng khi CTCP Đầu tư An Đông mua lại dự án vào cuối năm 2015 với mức giá trên 600 tỷ đồng. Dự án gồm ba tòa tháp, mỗi tháp cao 33 tầng, bao gồm TTTM, 648 căn hộ và nhiều tiện ích… Ban đầu, tập đoàn định đập bỏ toàn bộ để xây dự án mới, nhưng sau đó họ chỉ sơn lại màu và sửa chữa phần TTTM bên dưới.
Cũng tại quận 5, Vạn Thịnh Phát còn có một TTTM khác là Hùng Vương Square, được xây dựng trên diện tích 8.000 m2, gồm 1 tầng trệt, 2 tầng nổi, 4 tầng để xe và quảng trường rộng hơn 1.000 m2.
Dự án công viên Mũi Đèn Đỏ khởi công rầm rộ từ gần một năm trước nhưng đến nay đang "bất động". (Ảnh: saigonpeninsula.nhaonline.vn) |
Vào tháng 4/2016, dự án Saigon Peninsula (Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị) tại phường Phú Thuận, quận 7 được khởi công với mức đầu tư 6 tỷ USD, tổng diện tích lên đến 118 ha, gồm công viên đa chức năng, bến du thuyền quốc tế, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn… Dự án do liên doanh CTCP Tập đoàn Sài Gòn Penisula và Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm CĐT, sau gần một năm thi công thì đến nay khu đất vẫn chưa có gì thay đổi, hoạt động xây dựng đang bị ngưng lại hoàn toàn.
Trả lời báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc thôi quốc tịch ở Việt Nam cần có sự cho phép của Chủ tịch nước và được đăng tải trên công báo. Hiện nay thường Việt Kiều sẽ sở hữu ít nhất 2 quốc tịch là Việt Nam và một nước nào đó chứ chưa thấy trường hợp nào từ bỏ quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch khác. Nếu rút quốc tịch Việt Nam, có nghĩa là người đó sẽ như một công dân nước ngoài khi ở Việt Nam, chịu những quy định về đầu tư, mua bán như người nước ngoài, như doanh nghiệp FDI vào Việt Nam và khi vào Việt Nam phải khai báo nhập cảnh. Nếu trường hợp cụ thể là đã có sẵn nhiều tài sản bất động sản trong nước thì chưa thấy quy định về việc ứng xử thế nào với tài sản đó khi chủ sở hữu chuyển từ công dân Việt Nam sang công dân nước ngoài. |
Long đong số phận những dự án Vạn Thịnh Phát thâu tóm
Hàng loạt những dự án “đất vàng” mà Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thâu tóm cả ở TP HCM và các tỉnh lân cận sau ... |