|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những đợt bùng phát COVID-19 ở chợ, nhà máy thịt làm tăng nỗi lo về an ninh thực phẩm toàn cầu

17:19 | 22/06/2020
Chia sẻ
Đợt bùng phát COVID-19 mới nhất ở Bắc Kinh cho thấy hiểm họa mà SARS-CoV-2 có thể gây nên đối với chuỗi cung ứng thực phẩm sau khi giới chức buộc phải đóng Tân Phát Địa, chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất ở thủ đô.

Vụ việc ở Tân Phát Địa, chợ đầu mối cung cấp tới 80% lượng thực phẩm – bao gồm thịt, cá, trái cây và rau – cho hơn 20 triệu người dân ở Bắc Kinh, là một trong những đòn chí mạng đối với chuỗi cung ứng thực phẩm trên khắp thế giới.

Giới chức Bắc Kinh đã triển khai nhiều nguồn cung ứng thực phẩm dự trữ và lập các chợ tạm để ngăn chặn tình trạng thiếu thực phẩm, theo giới truyền thông nhà nước. Tính tới hôm 22/6, hơn 230 người dân trong thành phố đã nhiễm COVID-19, bao gồm một số nhân viên của chợ Tân Phát Địa.

Ở châu Âu, Nam Mỹ và Mỹ, các nhà máy chế biến thịt đang là điểm nóng cho sự lây lan của COVID-19, khiến hàng nghìn người nhiễm bệnh và gây nên tâm lí lo ngại về an ninh lương thực.

Những đợt bùng phát COVID-19 ở chợ, nhà máy thịt làm tăng nỗi lo về an ninh thực phẩm toàn cầu - Ảnh 1.

Một nhân viên bổ sung rau lên quầy trong một siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: Tân Hoa Xã

Hồi tuần trước, một nhà máy đóng gói thịt ở Đức phải đóng sau khi gần 2/3 trong tổng số hơn 1.000 công nhân của họ nhiễm COVID-19, trong khi một nhà máy chế biến thịt gia cầm ở xứ Wales phải ngừng hoạt động sau khi hơn 50 công nhân nhiễm COVID-19. Ở Mỹ, hàng chục người đã tử vọng sau đợt bùng phát COVID-19 ở nhiều nhà máy chế biến thịt trong vài tháng qua, theo Reuters.

Trong bối cảnh tốc độ nhiễm COVID-19 không có dấu hiệu giảm, các chuyên gia nhận định việc bảo vệ người lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp, toàn diện để bảo đảm rằng doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người lao động, các cơ sở chế biến luôn sạch sẽ và chính quyền luôn sẵn sàng hỗ trợ.

"Qui trình từ nông trại tới bàn ăn cần nhiều biện pháp an toàn hơn vì số lượng người tham gia qui trình sẽ tăng, mà số lượng người tỉ lệ thuận với số lượng nguồn lây nhiễm bệnh", nhà nghiên cứu thực phẩm và môi trường Charis Galanakis, giám đốc tổ chức Food Waste Recovery ở Vienna (Áo), bình luận.

Song những công nhân làm việc trong nhà máy chế biến thịt lại phải làm việc trong những điều kiện khiến họ không thể thực hiện những biện pháp giãn cách xã hội, bởi chủ doanh nghiệp muốn họ làm việc như thế để bảo đảm nguồn cung không gián đoạn.

Hiện tại, khủng hoảng thiếu thực phẩm vẫn chưa xảy ra, và sự tăng giá hàng hóa vẫn chưa mạnh, theo Marc Bellemare, giáo sư kinh tế ứng dụng của Đại học Minnesota (Mỹ), phát biểu. Nhưng, theo ông, nhiều người đã phải trả giá để duy trì nguồn cung thực phẩm.

"Nhiều người tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm, đặc biệt là công nhân, đã mất việc hoặc phơi nhiễm trực tiếp với nguồn lây COVID-19 do họ buộc phải làm việc trong điều kiện có thể thúc đẩy sự lây lan của bệnh", Marc Bellemare phát biểu.

Holly Wang, nhà kinh tế nông nghiệp của Đại học Purdue ở Mỹ, nhận định mối nguy còn lớn hơn đối với những người làm việc trong môi trường mà mức độ tự động hóa thấp – bao gồm cả những người bán buôn, bán lẻ thực phẩm.

Michael Fakhri, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền tiếp cận thực phẩm, từng nói với Reuters vào tháng trước: "Nguồn cung ứng thực phẩm chỉ có thể ổn định khi người lao động khỏe mạnh".

Tháng trước, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã yêu cầu khoản ngân sách 350 triệu USD để bảo đảm an ninh lương thực và ngăn chặn nạn đói trong đại dịch COVID-19, bao gồm tăng nhận thức để những người đang đóng góp vào nỗ lực duy trì nguồn cung cấp thực phẩm sẽ không đối mặt nguy cơ nhiễm COVID-19.

Cửu Dương