Những điều thú vị về các thị trường chứng khoán châu Á
Sau năm 2023 đầy biến động, các thị trường chứng khoán châu Á được kỳ vọng sẽ có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2024.
Hầu hết các nhà đầu tư có thể đã biết thị trường nào đạt được kết quả tốt nhất và tệ nhất trong khu vực vào năm ngoái. Gần đây, công ty nghiên cứu HSBC Global Research đã tiết lộ những điều ít người biết hơn về các thị trường chứng khoán châu Á năm 2023. Dưới đây là ba trong số những chi tiết thú vị nhất:
Vốn hóa Apple lớn hơn 6 thị trường chứng khoán hàng đầu Đông Nam Á
Châu Á được coi là khu vực tăng trưởng đáng chú ý trên thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến GDP châu Á sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2024, vượt trội so với tốc độ của thế giới là 2,9%. Tuy nhiên, châu Á vẫn còn khoảng cách lớn cần phải thu hẹp.
Apple, công ty gần đây vẫn nắm giữ vị trí số một thế giới tính theo giá trị thị trường, có quy mô lớn hơn toàn bộ cổ phiếu được niêm yết tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan. Nhà sản xuất iPhone cũng có quy mô lớn hơn 6 thị trường chứng khoán lớn nhất Đông Nam Á lớn nhất cộng lại. Theo dữ liệu của HSBC, Apple có vốn hóa 3.010 tỷ USD tính vào thời điểm cuối năm 2023.
Tính tới ngày 29/12, toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên thị trường Hàn Quốc và Đài Loan có giá trị lần lượt là 1.930 và 2.070 tỷ USD. Nhóm ASEAN-6, bao gồm các nền kinh tế Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, có tổng giá trị chứng khoán niêm yết đạt 2.500 tỷ USD.
Tổng vốn hóa 5 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc bằng ngân hàng lớn nhất Indonesia
Chứng khoán Trung Quốc giảm 12% vào năm ngoái trong bối cảnh giá cổ phiếu bất động sản lao dốc. Hai công ty xuất hiện dày đặc trên truyền thông là Country Garden và Evergrande. Giá cổ phiếu của những công ty từng là ông lớn trong lĩnh vực bất động sản trượt dốc, kéo toàn ngành đi xuống.
Cuối năm 2023, tổng vốn hóa của 5 nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá trị thị trường của Bank Central Asia, ngân hàng lớn nhất Indonesia. Còn trong năm 2022, vốn hóa 5 công ty đó lớn gấp 4 lần Bank Central Asia.
Số liệu của HSBC cho thấy vào ngày 29/12/2023 Bank Central Asia có vốn hóa 74,4 tỷ USD. Còn 5 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc - bao gồm China Resources Land, China Overseas Land & Investment, China Vanke, Poly Development và China Merchants Shekou - có tổng vốn hóa là 77,9 tỷ USD.
GDP Singapore lớn hơn Hong Kong, nhưng vốn hóa sàn SGX chỉ bằng 1/10 sàn HKEX
Nền kinh tế Singapore lớn hơn Hong Kong và cả hai đều là các trung tâm tài chính lớn ở châu Á, nhưng quy mô thị trường chứng khoán ở hai nơi có sự chênh lệch đáng kể.
HSBC cho biết GDP cả năm 2022 của Singapore vào khoảng 467 tỷ USD, còn GDP của Hong Kong là 360 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của HSBC cho thấy vào ngày 29/12/2023, tổng vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) là 4.700 tỷ USD. Trong khi đó, tổng vốn hóa trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) chỉ đạt 404 tỷ USD.
Vì sao vốn hóa thị trường chứng khoán của Singapore lại thấp đến vậy dù dòng tiền chảy vào nền kinh tế này rất lớn? Ông Herald van der Linde, Giám đốc đầu tư cổ phiếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HSBC, cho biết: “Vấn đề là sàn SGX chủ yếu niêm yết doanh nghiệp của Singapore và ASEAN”.
Trong khi đó, sàn HKEX niêm yết cổ phiếu của cả doanh nghiệp địa phương lẫn doanh nghiệp Trung Quốc đại lục. Một số công ty có tiếng tăm toàn cầu cũng niêm yết trên thị trường Hong Kong, bao gồm hãng thời trang Prada và công ty vali Samsonite. Do đó, sàn chứng khoán Hong Kong có sức hấp dẫn và quy mô lớn hơn nhiều Singapore.