|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những điều cần biết trước khi ‘mua sắm như tỷ phú’ trên Temu

10:27 | 23/10/2024
Chia sẻ
Bước vào thị trường Việt Nam, Temu đã có chiến dịch chào sân và thả tiền được đánh giá là thông minh.

Nếu trước đây người tiêu dùng Việt chưa nghe về Temu, thì có lẽ điều này đã thay đổi sau tuần qua. Gã khổng lồ mua sắm trực tuyến có nguồn gốc từ Trung Quốc đã xuất hiện rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng lẫn mạng xã hội.

Dù mới ra mắt, nhưng Temu đã rất “hào phóng” khi tặng ngày 50.000 đồng cho mỗi người tham gia giới thiệu sàn đến người khác. Với mỗi người giới thiệu thành công và mua hàng, số tiền có thể nhận được lên tới 150.000 đồng/người kèm hoa hồng từ đơn hàng.

Ngoài ra, sàn thương mại điện tử Trung Quốc này cũng liên kết với nền tảng bao gồm TikTok, Instagram, Youtube, để có thể đọc được dữ liệu nếu người dùng uỷ quyền cho họ. Chẳng hạn, nếu người dùng mời được một người dùng có kênh TikTok trên 50.000 follower, có thể nhận được 180.000 đồng/người, với kênh Youtube 50.000 follower là 300.000 đồng/người.

Nước đi này giúp Temu nhanh chóng có thể có cơ sở dữ liệu của hàng loạt Content Creator (Người sáng tạo nội dung) đang sở hữu các kênh mạng xã hội có tầm ảnh hưởng tại Việt Nam, để dựa vào đó có thể triển khai các bước tiếp theo, các chương trình dành riêng cho họ.

Đây được đánh giá là một chiến dịch chào sân và thả tiền rất thông minh của Temu. 

Trước khi vào Việt Nam, Temu đã “làm mưa làm gió” tại thị trường Mỹ với khẩu hiệu “Mua sắm như tỷ phú”. Vậy Temu là ai? Tại sao họ lại thu hút một lượng lớn người mua sắm săn hàng giá rẻ và tại sao họ lại chịu chi đến như vậy?

Sàn thương mại điện tử Temu đã vào Việt Nam từ trung tuần tháng 10. (Ảnh: Temu).

Temu là gì?

Temu là một sàn thương mại điện tử đến từ Trung Quốc. Theo thông tin tự giới thiệu trên website: “Temu có sẵn tại www.temu.com và qua ứng dụng di động. Nền tảng này cung cấp nhiều loại sản phẩm chất lượng thuộc 29 danh mục khác nhau như quần áo nam nữ, làm đẹp, sức khỏe, đồ gia dụng, thể thao, dụng cụ, đồ chơi, và nhiều sản phẩm khác”.

Tên gọi “Temu” có nghĩa là “cùng hợp tác, giá giảm”.

Ai sở hữu Temu?

Temu thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại toàn cầu PDD Holdings. PDD do tỷ phú người Trung Quốc Colin Huang, 43 tuổi, sáng lập. Đây là website “chị em” với nền tảng Pinduoduo, một trang thương mại điện tử nổi tiếng tại Trung Quốc. PDD Holdings được thành lập vào năm 2015 và đã chuyển trụ sở chính đến Dublin, Ireland vào năm 2023.

Vào cuối năm ngoái, vốn hóa thị trường của PDD Holdings đã vượt qua Alibaba, đưa họ trở thành công ty Trung Quốc có giá trị lớn nhất niêm yết tại Mỹ. Điều này cũng đưa tỷ phú Colin Huang trở thành người giàu thứ hai ở Trung Quốc.

Tại sao Temu có giá rẻ?

Temu bán nhiều loại sản phẩm trực tiếp từ các nhà cung cấp Trung Quốc với giá rất rẻ, và còn giảm thêm nhờ các chương trình khuyến mãi và giảm giá lên đến 99%. Mô hình của Temu giữ chi phí ở mức thấp nhất bằng cách kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nhà cung cấp, chỉ đảm nhận phần vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, Temu tận dụng lợi thế sản xuất giá rẻ và lao động chi phí thấp ở Trung Quốc để giữ giá sản phẩm cực kỳ cạnh tranh.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại về tính bền vững của chiến lược tiếp thị mạnh tay và việc bán hàng với giá lỗ để thu hút khách hàng. Một số báo cáo ước tính Temu đã chi từ 2 đến 3 tỷ USD trong năm 2023 để đẩy mạnh mở rộng tại hơn 45 quốc gia trong vòng một năm.

Temu hiện diện tại những đâu?

Temu bắt đầu hoạt động tại Mỹ vào năm 2022, cùng với Canada, Australia và New Zealand. Từ tháng 4/2023, Temu mở rộng sang châu Âu, bao gồm Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italia và Hà Lan, trước khi ra mắt tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ tháng 9 năm ngoái, Temu đã có mặt tại Philippines và đến tháng 10 năm nay, sàn thương mại điện tử này vào Việt Nam.

Temu khác gì với Shopee, TikTok Shop, Lazada?

Temu cung cấp nhiều loại sản phẩm quốc tế hơn, phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng không qua thương nhân. Do đó, giá cả các sản phẩm trên Temu thường rẻ hơn. Ngoài ra, họ còn có các chương trình giảm giá sâu, miễn phí giao hàng,…

Hiện tại, Temu chưa cho phép người dùng Việt Nam sử dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, nghĩa là người dùng phải thanh toán ngay khi đặt hàng, sau đó mới nhận sản phẩm. Temu chỉ hỗ trợ thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc Apple/Google Pay, chưa hỗ trợ các loại ví điện tử phổ biến khác. 

Của rẻ có là của ôi?

Do lượng người bán và sản phẩm trên Temu rất lớn nên sàn thương mại điện tử này thường không kiểm soát được chất lượng của các sản phẩm bán ra. Một khảo sát của tổ chức chuyên đánh giá về uy tín của các doanh nghiệp trên toàn cầu TrustPilot cho thấy khoảng 15% người dùng Temu phàn nàn về chất lượng sản phẩm mà họ đã đặt mua. 

Quan điểm về chất lượng sản phẩm trên Temu thường phụ thuộc vào trải nghiệm của người mua. Một số khách hàng đã kêu ca về việc sản phẩm không giống như hình ảnh trên mạng. Nhưng với mức giá thấp như vậy, điều này cũng không quá ngạc nhiên.

Giống như nhiều nhà bán lẻ giá rẻ khác, Temu cũng vấp phải những câu hỏi về tác động môi trường khi bán những sản phẩm giá thấp với số lượng lớn.

Tuy nhiên, Temu đã khẳng định rằng họ nghiêm túc trong việc kinh doanh. Người hâm mộ của họ yêu thích ý tưởng sống phong cách “sang chảnh” với chi phí “bình dân”.

Đức Huy