Những dấu hỏi trong hoạt động phát hành riêng lẻ
Những tháng gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận nhiều doanh nghiệp chào bán cổ phần, bao gồm phát hành riêng lẻ. Đây là tín hiệu tốt khi thị trường chứng khoán thực hiện đúng vai trò huy động vốn.
Xung quanh vấn đề này, nhà đầu tư đặt ra các câu hỏi như tại sao doanh nghiệp lựa chọn phát hành riêng lẻ, danh tính nhà đầu tư tham gia, và việc phát hành liệu sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu?
Câu hỏi về giá cổ phiếu được đặt ra, bởi thực tế trong năm 2023, thị trường ghi nhận nhiều trường hợp cổ phiếu biến động mạnh quanh thời điểm doanh nghiệp công bố phương án phát hành riêng lẻ, ví dụ như tại Phát Đạt, Yeah1 hay HAGL.
Theo quy định, nhiều công ty lựa chọn phát hành riêng lẻ vì không đủ tiêu chuẩn để phát hành ra công chúng hay còn gọi là chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Một rào cản lớn nhất là quy định "hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán. Trong khi đó những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cần nguồn tài chính để vực dậy. Bởi lẽ đó chào bán riêng lẻ là lựa chọn ưu tiên.
Khác với phát hành ra công chúng, phát hành có số lượng dưới 100 NĐT. Đối với NĐT tham gia mua phát hành riêng lẻ, họ có lợi thế khi “đi đường tắt”, mua một lượng cổ phiếu với mức giá nhất định (đa số trường hợp là 10.000 đồng/cp), có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với giá đang được mua bán trên thị trường tập trung. Từ đó, nhóm này có thể thu lợi từ chênh lệch giá cổ phiếu (nếu có).
Hơn nữa, nhà đầu tư tham gia mua lượng lớn cổ phần cũng nắm lợi thế trong việc thu thập thông tin doanh nghiệp hơn so với NĐT thông thường. Tuy nhiên, cổ phiếu phát hành riêng lẻ thường sẽ bị hạn chế giao dịch, thường là 1 năm kể từ thời điểm phát hành hoặc có thể lâu hơn.
Trong một số trường hợp, việc tham gia của cổ đông chiến lược trong thương vụ phát hành riêng lẻ cùng lượng tiền huy động có thể hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh hoặc cơ cấu tài chính, từ đó cải thiện hiệu quả hay triển khai những dự án mới.
Theo dõi những thương vụ gần đây, NĐT tham gia mua cổ phiếu riêng lẻ có liên quan nhất định đến doanh nghiệp từ trước. Đó có thể là chính người nội bộ doanh nghiệp, người thân/tổ chức liên quan người nội bộ, pháp nhân có mối liên quan thông qua công ty trong hệ thống, hay đã có mối quan hệ trong quá khứ.
Vào tháng 11, Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) thông báo chào bán 13,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá dao động 18.300 – 60.000 đồng/cp. Số tiền huy động dùng bổ sung vốn lưu động. Danh sách NĐT tham gia có 4 cá nhân, trong đó Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đã chiếm đến 12,5 triệu cổ phiếu.
Trường hợp của Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT), dự kiến NĐT chiến lược ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) tiếp tục tham gia đợt chào bán riêng lẻ 8,4 triệu cổ phiếu sắp tới, tương ứng với 11,4% vốn điều lệ, giá chào bán là 21.500 đồng/cp. Theo đó ASKA sẽ chi số tiền gần 181 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu lên 32,56% vốn.
Đây là thứ hai ASKA tham gia mua phát hành riêng lẻ của Dược phẩm Hà Tây. Vào năm 2020, tổ chức từ Nhật Bản từng mua lượng cổ phiếu tương đương với 24,9% vốn và là cổ đông lớn nhất cho đến nay.
Trường hợp của Phát Đạt (Mã: PDR), công ty hoàn tất đợt chào bán hơn 67,1 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Bên mua là những "người quen" của Phát Đạt và có kinh nghiệm làm địa ốc lâu năm, hiện là đại diện pháp luật của các công ty như Đầu tư Bất động sản Du lịch An Điền, TPS Thành Phong, Khu du lịch và Khách sạn Bình Minh.
Bên cạnh bóng dáng “người quen”, trường hợp NĐT chiến lược không có bất kỳ mối quan hệ nào với doanh nghiệp (theo công bố thông tin), hay có sự hợp tác nào trước đó cũng không phải hiếm gặp. Trong một số tình huống, "người lạ" có thể là những doanh nghiệp ít tháng tuổi hay những cái tên rất trẻ, nhà đầu tư thế hệ 9x, 10x chi hàng trăm tỷ đồng mua lượng lớn cổ phần.
Ví dụ như trường hợp của Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC). Công ty dự kiến phát hành riêng lẻ 220 triệu cp, dự kiến huy động 2.640 - 3.190 tỷ đồng. Hòa Bình công bố danh sách hai NĐT nước ngoại dự kiến mua 220 triệu cổ phiếu trên, gồm Tumaz and Tumaz Enterpries Ltd 100 triệu cổ phiếu và Primetech VN Development and Investment JSC 120 triệu cổ phiếu. Hai NĐT trên hiện không nắm bất kỳ cổ phiếu nào của HBC.
Primetech VN Development and Investment Joint Stock Company có tên Việt Nam là CTCP Đầu tư và Phát triển Primetech VN, thành lập vào 11/5/2023. Hoạt động kinh doanh chính là bán buôn kim loại và quặng kim loại. Ngoài ra, công ty còn đăng ký hàng chục ngành nghề kinh doanh khác.
NĐT chiến lược thứ hai của Hòa Bình càng xa lạ hơn. Tumaz and Tumaz Enterprises Ltd (Tumaz) có trụ sở tại thành phố Mwale thuộc đất nước Kenya phía đông châu Phi. Đây là đơn vị có liên quan đến triệu phú Kakamega Tycoon Julius Mwale, nhà sáng lập Medical and Technology City (MMTC), đồng thời còn được biết đến là NĐT quan trọng trong thỏa thuận để mua lại tạp chí Forbes của Mỹ.
Hay với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), doanh nghiệp liên tục thay đổi phương án phát hành riêng lẻ trong hai năm gần đây, những cái tên luông đưa đến những bất ngờ. Trong công bố mới nhất, HAGL sẽ phát hành riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp.
Theo danh sách mới, Quản lý Quỹ Việt Cát đã rút khỏi thương vụ này và thế chân bởi CTCP Tập đoàn Thaigroup. Trong đó, Thaigroup đăng ký mua 52 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 4,92% vốn. CTCP Chứng khoán LPBank (LVS) vẫn đăng ký mua 50 triệu cổ phiếu và tỷ lệ nắm giữ tại HAGL sẽ tăng lên 4,73% vốn. Còn ông Nguyễn Đức Quân Tùng là cá nhân duy nhất dự kiến nâng số cổ phần mua trong đợt phát hành này lên 28 triệu cổ phiếu và tỷ lệ sở hữu sau phát hành là 2,65% vốn sau phát hành.
Khi những cái tên mới lộ diện, cổ phiếu HAG có nhịp tăng mạnh từ tháng 11 kéo dài đến giữa tháng 12. HAG kết phiên 13/12 tại 13.550 đồng/cp, cao nhất từ đầu năm và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Như đã đề cập ở trên, việc phát hành riêng lẻ có thể là "đường tắt" để các cổ đông lớn tham gia vào doanh nghiệp mà không ảnh hưởng lớn đến giao dịch trên thị trường của cổ phiếu. Rõ thấy nhất là thương vụ(VPBank) phát hành hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), chính thức đưa ngân hàng lớn thứ 2 Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược vào quý III năm nay. Đây là một tín hiệu tốt.
Nhưng việc doanh nghiệp "mặc đồng phục" cho chào bán riêng lẻ như cùng mức giá phát hành 10.000 đồng/cp, nhà đầu tư tham gia mua thường nắm giữ dưới 5% để thuận lợi thoái vốn mà không phải công bố thông tin, danh tính và nguồn tiền của nhà đầu tư hoặc khả năng hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là dấu hỏi thường trực với các cổ đông.