|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những chuyển động ngầm

17:04 | 14/09/2018
Chia sẻ
Bên cạnh tâm lý nhà đầu tư, thông tin là yếu tố quan trọng hàng đầu ảnh hưởng đến chứng khoán. Thông tin có nhiều loại (ở đây không đề cập đến thông tin nội gián), nổi và chìm. Thông tin nổi thì nhà đầu tư nào cũng rõ, còn thông tin chìm cần một sự lắng lại, đôi khi phải lùi ra xa thị trường, ở vị trí quan sát, người ta mới nhận biết được.
nhung chuyen dong ngam

Thông tin nổi thời gian qua khá nhiều. Một trong số đó là số liệu thống kê mới nhất và chính thức của cơ quan hải quan cho biết từ đầu năm đến nay Việt Nam xuất siêu 4,7 tỉ đô la Mỹ trong khi cùng kỳ nhập siêu 1 tỉ đô la Mỹ. Sự tăng tốc của xuất khẩu trong tháng 8-2018 nhờ tập đoàn Samsung tung ra sản phẩm mới đã giúp cán cân thương mại xuất siêu hơn 2 tỉ đô la Mỹ. Ngay khi tin này xuất hiện, giá bán đô la Mỹ chuyển khoản niêm yết của các ngân hàng và thị trường tự do đều giảm bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã nâng tỷ giá công bố hàng ngày lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Suốt hai tháng qua tiền đồng được hỗ trợ mạnh. Lãi suất tiền đồng qua đêm liên ngân hàng luôn thường trực quanh 4,5%/năm, đồng thời cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ việc các ngân hàng thực thi hạn mức tín dụng. Thanh khoản ngân hàng luôn được giữ ở mức vừa phải nhằm ngăn chặn đầu cơ tỷ giá.

Thông tin nổi thứ hai là ngày 10-9-2018 tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Việt Nam 2018 định hướng tương lai quan hệ song phương hai nước, vị thứ trưởng đặc trách thương mại quốc tế, Bộ Thương mại Mỹ, ông Gilbert Kaplan công khai năm ngoái thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam đã đứng hàng thứ 5 trong thương mại với các quốc gia thế giới. Ông nhấn mạnh “đây là sự thâm hụt thương mại lớn nhất mà Mỹ có với các quốc gia Đông Nam Á”. Và rằng “Tổng thống Donald Trump yêu cầu rõ ràng: Mỹ cam kết thương mại tự do, công bằng, tác động hai chiều, trong đó có Việt Nam”.

Việt Nam từ vị trí thứ 6 trước đó đã “nhảy” lên thứ 5 trong bảng tổng sắp các nước xuất siêu nhiều nhất vào Mỹ. Số liệu thương mại tháng 8 vừa qua một lần nữa khẳng định Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

Không thể nào coi tín hiệu này là mờ nhạt và cần tính tới mọi khả năng có thể xảy ra. Mỹ đã áp thuế với một số mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ Canada và châu Âu, và không có gì đảm bảo Việt Nam được loại trừ nếu cán cân thương mại Mỹ - Việt không được cải thiện nhanh chóng theo hướng cân bằng cho cả hai bên.

Trên bề nổi của thông tin, một số chuyển động ngầm đã hiện hữu. Dư luận xã hội vài tháng trước phàn nàn một số ngân hàng tăng phí dịch vụ ATM từ 1.100 đồng lên 3.300 đồng, đến nỗi Ngân hàng Nhà nước phải yêu cầu các ngân hàng rút lại. Phí đó chẳng nhằm nhò gì so với các mức phí dịch vụ mà ngân hàng bắt đầu áp dụng từ 1-2 tháng trở lại đây. Chuyển khoản nội bộ cùng hệ thống một ngân hàng trước nay miễn phí, giờ áp phí từ 2.200-5.500 đồng/lượt. Vay vốn, giải ngân bằng tiền mặt cũng bị thu phí. Nộp tiền vào tài khoản cũng bị thu phí. Tài khoản cá nhân mở, không sử dụng, một tháng nộp phí 15.000 đồng...

Còn lãi suất cho vay, không hẹn mà gặp, tăng đều khoảng 1,5-2%/năm ở tất cả các kỳ hạn tại hầu hết các ngân hàng. Kể cả những trường hợp như thế chấp sổ tiết kiệm vay lại, không hề có rủi ro, một số ngân hàng cũng nâng lãi vay tối thiểu (mức sàn) thêm 1,5%/năm. Những ngân hàng không còn hạn mức tín dụng là những nơi “đẻ” ra nhiều thứ phí nhất.

Biên lợi nhuận của ngân hàng trong nửa cuối năm chắc chắn sẽ không còn cao như nửa đầu năm khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Dấu hiệu thắt chặt tiền tệ đã phảng phất. Sự dịch chuyển ngầm của chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt là hợp lý khi tác động của kinh tế bên ngoài đang và tiếp tục ngấm vào kinh tế trong nước.

Ở thời điểm hiện tại giới tài chính đã không còn nhắc đến tiền rẻ. Doanh nghiệp bắt đầu tính toán chi li hơn chi phí tài chính trong đó có chi phí lãi vay. Những doanh nghiệp có tiền sử sử dụng đòn bẩy cao, vay vốn ngắn hạn đầu tư dài hạn sẽ phải tìm mọi cách để giảm dư nợ nếu muốn tồn tại.

Sau ngân hàng, tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng đang chậm lại và đó là chỉ báo đầu tiên về bất động sản. Lúc này phân khúc sôi động của thị trường bất động sản là M&A cho nước ngoài. Hàng tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài đã giải ngân vào các dự án bất động sản và tới đây thị trường còn chứng kiến những thương vụ quy mô hơn nữa. Tuy nhiên vốn ngoại vào bất động sản không phải không có giới hạn, nhất là khi thị trường tài chính của vài nước xung quanh chúng ta đang có vấn đề.

Chuyển động ngầm cần thời gian để nổi lên thông qua các sự kiện. Cho đến khi ấy tùy ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, nó vốn đã bào mòn hoặc bồi đắp chứng khoán ít nhiều.

Xem thêm

Thành Nam