|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhu cầu USD tăng mạnh khi DN tăng nhập khẩu gom nguyên liệu trước hạn 90 ngày hoãn thuế

16:03 | 10/06/2025
Chia sẻ
Nhu cầu USD trên thị trường trong nước tăng mạnh trong bối cảnh Kho bạc Nhà nước tăng mua USD và các doanh nghiệp gấp rút nhập khẩu nguyên liệu để hoàn tất đơn hàng trước thời hạn 90 ngày và chuẩn bị cho mùa cao điểm.

Tỷ giá USD duy trì ở mức cao do nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng

Trong báo cáo trái phiếu mới công bố, CTCP Fiin Ratings nhận định tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao do nhu cầu USD trong nước tăng mạnh từ phía doanh nghiệp và Kho bạc Nhà nước (KBNN), khiến cho nguồn cung càng hạn chế. 

"Tại thị trường trong nước, nhu cầu USD tăng mạnh khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu để chạy đua hoàn tất đơn hàng trước thời hạn 90 ngày và tích trữ phục vụ mùa cao điểm", báo cáo cho hay. 

Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 175,6 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,8%. Nhập khẩu từ Mỹ tăng lên 7,2 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, động thái này nhằm xóa dịu áp lực từ các rào cản thuế quan tiềm ẩn để tránh tạo thêm sức ép lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước vẫn duy trì hoạt động mua USD nhằm thực hiện nghĩa vụ trả nợ nước ngoài, khiến nguồn cung USD trên thị trường trở nên khan hiếm hơn. 

Theo thống kê của người viết, tính từ đầu năm đến nay, KBNN đã có 10 đợt chào mua ngoại tệ với tổng quy mô gần 1,8 tỷ USD. Trong các đợt chào từ tháng 3 đến tháng 5, lượng ngoại tệ KBNN chào mua có quy mô khá lớn từ 100 - 300 triệu USD mỗi đợt.

Việc KBNN tổ chức đấu thầu mua USD (thông thường mục đích chính là trả nợ nước ngoài) trong khi giá trị đồng USD vẫn duy trì ở mức cao tiếp tục hỗ trợ thêm đà tăng của tỷ giá. Động thái chào mua ngoại tệ của KBNN diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND tiếp tục neo cao.

 Tỷ giá USD/VND ở ngưỡng cao bất chấp đồng USD suy yếu (Nguồn: FiinRatings)

Tỷ giá trong tháng 5 ghi nhận xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. NHNN đã linh hoạt điều chỉnh nâng tỷ giá trung tâm lên mức cao kỷ lục 24.978 VND/USD vào ngày 30/05, tăng 636 đồng so với đầu năm. 

Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND vẫn ngưỡng cao bất chấp đồng USD suy yếu. Trong tháng, chỉ số sức mạnh USD (DXY) phục hồi nhờ những tiến triển tích cực trong đàm phán thương mại giữa Mỹ với Anh và Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng này nhanh chóng chịu áp lực giảm ngắn hạn sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm quốc gia của Mỹ, đồng thời tiếp tục biến động do bất ổn chính sách gia tăng. 

Theo FiinRatings, trong thời gian tới, đồng USD được dự báo tiếp tục suy yếu sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, nhờ vào đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục nới rộng biên độ trần để thị trường tự điều chỉnh, thay vì phải can thiệp trực tiếp bằng dự trữ ngoại hối (hiện đang duy trì quanh mức 83 tỷ USD).

Lãi suất huy động tiếp tục giảm để thúc đẩy tín dụng

Về lãi suất, xu hướng đi xuống của mặt bằng lãi suất huy động đã chậm lại do một số ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất trở lại. Tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng 4,27% so với cuối năm nhờ vào môi trường lãi suấ thấp đang tạo ưu đãi cho các doanh nghiệp vay vốn, khiến đây là kênh vốn hấp dẫn trong giai đoạn hiện tại.

Trên thị trường liên ngân hàng, sau khi lãi suất giảm mạnh xuống mức 2,54%, NHNN đã chủ động thu hẹp quy mô bơm vốn trên kênh thị trường mở (OMO), dẫn đến việc lượng vốn đáo hạn vượt quá lượng bơm mới.

Tuy nhiên, NHNN đã quay lại bơm ròng khoảng 100.200 tỷ đồng, giảm 54,5% so với tháng trước, sau khi lãi suất tăng trở lại, tổng dư nợ OMO từ đầu năm đến ngày 30/05 là 50.000 tỷ đồng.

Dẫn số liệu từ báo cáo FiinRatings, trong tháng 5, thanh khoản thị trường 2 nhìn chung dồi dào với lãi suất liên ngân hàng qua đêm dao động trong khoảng 3,78–3,92%/năm và kết thúc ở mức 3,10% cuối tháng.

Theo đánh giá từ FiinRatings, dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động và cho vay đang dần thu hẹp trước rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam (dự kiến trong khoảng 20-30%). Đồng thời, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lùi thời gian hạ lãi suất nhằm đối phó lạm phát cũng có thể góp phần duy trì áp lực tỷ giá thời gian tới.

 Lãi suất huy động tiếp tục giảm để thúc đẩy tín dụng(Nguồn: FiinRatings)

Minh Nguyệt