Nhu cầu tiêu thụ thuỷ, hải sản của Trung Quốc tăng mặc dù tăng trưởng chậm lại
Trang Undercurrent News, dẫn báo cáo của ngân hàng Rabobank cho biết, thị trường thuỷ, hải sản khổng lồ của Trung Quốc đang chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị cao hơn như tôm, cá đánh bắt tự nhiên và các loài sinh vật biển sâu, ngay cả khi nền kinh tế nước này suy thoái sau đại dịch làm giảm tốc độ tăng trưởng thu nhập.
Ngân hàng này dự báo thuỷ, hải sản sẽ là một trong những loại protein động vật tăng trưởng nhanh nhất của Trung Quốc trong thập kỷ tới. Mức tiêu thụ sản phẩm này đã tăng 4,4% hàng năm từ năm 2013-2023 - vượt qua thịt heo, gia cầm và trứng.
"Người tiêu dùng có nhận thức tích cực về thuỷ, hải sản. Nhu cầu các loại thuỷ, hải sản cao cấp tăng, bao gồm tôm, cá đánh bắt tự nhiên và cá biển sâu", RaboResearch, bộ phận nghiên cứu của Rabobank, viết.
Sự thay đổi này phản ánh giới người giàu của Trung Quốc tăng lên và ý thức về sức khỏe của 1,4 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc đã cải thiện. Họ cũng bắt đầu lo lắng về an toàn thực phẩm.
Trung Quốc hiện đã tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng thuỷ, hải sản của toàn cầu. Theo Rabobank , nước này đã nhập khẩu 23 tỷ USD hải sản vào năm 2023, bao gồm 6 tỷ USD tôm. Dữ liệu của Undercurrent News cho thấy sản phẩm hải sản nhập khẩu trị giá 19 tỷ USD và khối lượng nhập khẩu là 4,67 triệu tấn vào năm ngoái.
Phần lớn hải sản này là cá đông lạnh nguyên con được chế biến tại Trung Quốc và tái xuất dưới dạng phi lê sang châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản. Nhưng khối lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng ngày càng tăng.
"Tôm, mặt hàng có giá trị lớn nhất, đã tăng gấp 6 lần trong 13 năm qua. Chúng tôi kỳ vọng nhập khẩu hải sản sẽ duy trì xu hướng tăng trong những năm tới, bất chấp nền kinh tế đang chậm lại", bà Chenjun Pan, nhà phân tích cấp cao của RaboResearch cho biết.
Trong số 6 tỷ USD giá trị nhập khẩu tôm của Trung Quốc, khoảng 2/3 là tôm đông lạnh nguyên đầu giá trị thấp. Ecuador là nguồn tôm lớn nhất cho Trung Quốc. Các mặt hàng nhập khẩu còn lại bao gồm cua, tồm hùm và cá hồi Đại Tây Dương tươi.
Bà Pan cho biết nuôi trồng thủy sản trong nước và đánh bắt thủy sản cũng đang phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng - chẳng hạn như cá lóc và cá chép được sản xuất tại nội địa.
Bà Pan nói: "Về phía cung, lượng hàng nhập khẩu tăng mạnh và nguồn cung nội địa tăng tạo ra mức giá hấp dẫn".
Nhưng bà lưu ý rằng các nhà cung cấp sẽ cần phải thay đổi, thay vì chỉ xuất khẩu tôm và cá với khối lượng lớn để cung cấp cho thị trường khổng lồ của Trung Quốc.
"Thị trường tiêu thụ protein động vật của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới khi nhu cầu ngày càng phức tạp hơn", bà Pan nói.
Trong số những thay đổi mà bà Pan khuyên các công ty hải sản là nên chuẩn bị là quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các nhà bán lẻ và nhà hàng để cung cấp các sản phẩm bền vững và đáp ứng nhu cầu mới nổi của người tiêu dùng về thực phẩm chế biến sẵn tiện lợi. Các công ty cũng nên tích hợp theo chiều dọc để có thể nhìn thấy và đưa ra ý kiến nhiều hơn về sở thích của người tiêu dùng.
Bà giải thích rằng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang chuyển sang các sản phẩm hải sản, thịt bò và gia cầm có giá trị cao hơn, nhưng họ ngày càng tập trung vào việc nhận được "giá trị tốt tương ứng với số tiền bỏ ra".
Khi Trung Quốc ngày càng giàu có hơn, người dân chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như ăn uống ngoài trời.
"Người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề như dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và tính bền vững", bà Pan viết. Điều đó giúp đẩy nhanh sự dịch chuyển tỷ trọng tiêu thụ các loại protein từ thịt heo sang các loại khác như hải sản, gia cầm và thịt bò được coi là lành mạnh hơn.