NHTW Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ giá nhân dân tệ
Ảnh minh họa (Nguồn: CNBC)
Sáng nay (12/8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu chính thức đồng nhân dân tệ (CNY) xuống 7,0211 tệ đổi 1 USD.
Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá tham chiếu này ở dưới trên mức 7 CNY đổi 1 USD. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của PBoC vẫn ít hơn dự báo của các nhà phân tích được Reuters khảo sát là 7,0311 CNY đổi 1 USD.
Theo qui định của Trung Quốc, nước này chỉ cho phép đồng nhân dân tệ giao dịch trong phạm vi hẹp +/-2% từ mức tham chiếu tại thị trường trong nước. Trong khi, tỷ giá đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế sẽ ít bị chi phối hơn.
Sau khi tỷ giá tham chiếu được PBoC công bố, đồng nhân dân tệ đã giảm xuống 7,0613 CNY/USD tại thị trường đại lục và xuống 7,0887 CNY/USD trên thị trường quốc tế, mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Diễn biến tỷ giá USD/CNY trong ngày hôm nay (Nguồn: Bloomberg)
Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi sát diễn biến của đồng nhân dân tệ sau khi đồng tiền này phá vỡ ngưỡng chặn 7 CNY/USD lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Và chính điều này đã thúc đẩy Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Một đồng nhân dân tệ yếu đi sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc hấp dẫn hơn và chính quyền của Tổng thống Trump sẽ không hề hài lòng vì điều này.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khẳng định Mỹ đã thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc, trong đó việc nhân dân tệ "yếu kỷ lục" so với USD càng khiến tình hình thêm nặng nề.
Các nhà phân tích của Tập đoàn Tư vấn Rủi ro Eurasia Group cho rằng việc Trung Quốc để đồng nhân dân tệ giảm xuống và giao dịch dưới mức 7 CNY/USD sẽ đặt ra lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ và gây áp lực lên các đồng tiền Châu Á khác.
Tuy nhiên, Eurasia Group nhận đinh Bắc Kinh sẽ ngăn chặn sự mất giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ vì sự lao dốc mạnh sẽ khiến dòng vốn tháo chạy ra khỏi Trung Quốc và tạo ra kì vọng một chiều trên thị trường theo khả năng mất giá hơn nữa của đồng tiền này, điều đã từng xảy ra trong năm 2015 và 2016.
"Thay vào đó, NHTW của Trung Quốc sẽ sử dụng thông điệp và cả những hành động can thiệp để giữ tốc độ mất giá của đồng nhân dân một cách từ từ…", các nhà phân tích Eurasia Group nói thêm.
Trong một diễn biến có liên quan, chỉ số CFETS (công cụ đo lường tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ so với rổ các đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại với Trung Quốc) đã giảm xuống mức kỉ lục vào thứ Sáu (9/8).
Diễn biến các chỉ số đo lường sức mạnh của đồng nhân dân tệ trong vòng 1 năm qua (Nguồn: CNBC).
Về phần mình, PBoC đã bác bỏ các cáo buộc về việc họ đang phá giá đồng nhân dân tệ để chống lại chính sách thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, theo Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng, Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu Trung Quốc làm suy yếu đồng tiền của mình để vô hiệu hóa hiệu lực của thuế quan.
Theo hãng xếp hạng Moody's, việc Mỹ liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và do đó chất lượng tín dụng của một số khoản nợ công có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.
"Mặc dù việc bị cáo buộc thao túng tiền tệ dường như không có tác động lớn đến chính sách ngoại hối của Trung Quốc tuy nhiên chúng tôi dự đoán rằng vị thế đàm phán của cả hai quốc gia trong tranh chấp thương mại sẽ trở nên cứng nhắc", Moody's nhận định
"Nói rộng hơn, các mâu thuẫn về thương mại và tiền tệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kìm hãm sự tăng trưởng toàn cầu...
Kì vọng về sự suy yếu thêm của đồng nhân dân tệ cũng có thể dẫn đến sự mất giá của các loại tiền tệ khác, đặc biệt là các loại tiền tệ có quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc", các chuyên gia của Moody's cho biết thêm.