Nhóm VinaCapital bán gần 2 triệu cổ phiếu Xây dựng Coteccons (CTD), không còn là cổ đông lớn
Ngày 31/7, quỹ thành viên VOF Investment thuộc VinaCapital đã bán 600.000 cổ phiếu. Qua ngày 1/8, VOF tiếp tục bán 807.450 đơn vị. Cùng với đó, hai thành viên khác là Preston Pacific và Asia Value Investment cũng bán 496.000 đơn vị và 70 đơn vị. Theo đó, nhóm cổ đông ngoại đã hạ từ 6,07% xuống còn 3,51% vốn, không còn là cổ đông lớn kể từ 3/8.
Lần gần nhất VinaCapital báo cáo giao dịch cổ phiếu CTD là vào 4/4/2022, khi VOF bán 126.300 đơn vị, qua đó hạ sở hữu cả nhóm xuống còn 5,17%, tương ứng với 7% vốn.
Thị giá CTD có diễn biến kém khả quan trong thời gian gần đây. CTD kết phiên 7/8 tại 64.000 đồng/cp, giảm 11% qua 1 tuần và 14% qua 1 tháng.
Nếu chiếu theo thị giá kết phiên 31/7 và 1/8 tương ứng, lượng cổ phiếu VinaCapital vừa bán ra có trị giá tổng cộng khoảng 130 tỷ đồng.
Ricons nộp đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản đối với Coteccons
Trong khoảng thời gian gần đây, câu chuyện ảnh hưởng đến ông lớn ngành xây dựng là việc CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons nộp đơn yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.
Theo thông cáo ngày 25/7 của Coteccons, đơn vị này khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.
Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: Dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á và một số giao dịch cho thuê thiết bị, sử dụng tiện ích giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý. Tương tự, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: dự án Newtaco, Regina Giai đoạn 4, 5 6, dự án nhà máy Vinfast và dự án Simco.
Coteccons cho biết đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
“Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.”, thông báo ngày 25/7 của Coteccons cho biết.
Phía Ricons cũng vừa chính thức lên tiếng. Ricons cho biết, những ngày vừa qua, trên mạng xã hội có đăng tải nhiều thông tin sai lệch liên quan đến việc Ricons nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons, gây ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của công ty và làm tăng thêm sự căng thẳng không cần thiết giữa các bên.
Trước những thông tin này, Ricons khẳng định, đối tượng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là Coteccons, không phải Ricons. Việc nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán.
“Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết. Trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra. Nhưng rất tiếc, chúng tôi đã không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons”, Ricons cho biết.
Việc Ricons yêu cầu thanh toán công nợ và nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật trong suốt một thời gian dài. Đến ngày 4/7/2023, tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu của Ricons. Theo Ricons, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác nhà thầu phụ, nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại. Đến thời điểm hiện tại, Ricons cho hay vụ việc vẫn đang được tòa án giải quyết.