Nhóm phân bón đồng loạt tăng kịch trần trong phiên giao dịch đầu tháng 'cô hồn'
Trong 10 cổ phiếu nhóm ngành phân bón, thị trường ghi nhận đến 6 mã tăng kịch trần, bao gồm DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ), SFG của CTCP Phân bón Miền Nam, DCM của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau), LAS của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, PMB của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc và PSW của Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ. Một số mã còn lại trong ngành tiếp tục giữ sắc xanh trong phiên hôm nay.
Theo quan sát kể từ đầu năm đến nay, các cổ phiếu nhóm phân bón trên đà tăng giá, và mạnh mẽ nhất sau khi có kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm thăng hoa về cả doanh thu và lợi nhuận.
Các chuyên gia nhận định kết quả tích cực này đến từ giá phân bón tăng phi mã thời gian qua, chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất (lưu huỳnh, amoniac,...) và chi phí vận tải tăng cụ thể là chi phí container.
Ngoài ra thì Ấn Độ đang vào vụ mùa, nhu cầu phân bón rất cao và nguồn cung phân bón urê ở Đông Nam Á rất thấp. Tại Indonesia, Malaysia, các nhà máy sản xuất phân Ure đang trong quá trình bảo dưỡng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh khởi sắc giúp các doanh nghiệp hầu hết cán đích lợi nhuận năm, thì động thái dừng xuất khẩu từ phía Trung Quốc - nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu của Việt Nam, để đảm bảo nguồn cung cho thị trường tỷ dân cũng phần nào giúp cổ phiếu nhóm ngành phân bón trong nước tăng giá.
Đồng thời, hành động của phía Trung Quốc trong khi nguồn cung thế giới bị giới hạn sẽ tạo cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu phân bón chiếm lấy thị phần.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước vẫn đang kỳ vọng Quốc hội thông qua việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Luật thuế số 71 trong thời gian tới, theo đó sớm đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT từ 0% - 5% như trước, giúp tăng sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Theo phân tích của AgroMonitor, nhu cầu tiêu thụ phân bón của cả nước trong năm 2021 ước đạt khoảng 11,1 triệu tấn, tăng 2,59% so với năm 2020. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ đối với hầu hết các loại phân bón đều tăng, dự kiến DAP tăng 5,64%, phân lân tăng 4,17%, phân NPK tăng 2,26%.
Nhiều dự báo của các chuyên gia và các doanh nghiệp phân bón dự báo ngành sẽ có kết quả kinh doanh tăng trưởng cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong năm nay, nhờ vào mặt hàng phân bón tăng trưởng mạnh về giá bán trong khi sản lượng chưa có nhiều sự cải thiện.
Mặt khác, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng giá bán và chi phí đầu vào đều đã tăng mạnh, khiến triển vọng ngắn hạn trở nên khó dự đoán. Tuy nhiên về trung và dài hạn, nếu giá nông sản giữ được mức cao hay tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ cho ngành phân bón.