|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhóm khách du lịch Gen Z tại Việt Nam ngày càng tăng

10:20 | 30/06/2023
Chia sẻ
Theo báo cáo mới được công bố, những người thường xuyên đi du lịch tại Việt Nam là Gen Z và Gen Y, làm công việc full-time, có thu nhập hộ gia đình từ 15 đến 45 triệu đồng

Mới đây, chuyên trang The Outbox đã thực hiện cuộc khảo sát với hơn 1.000 khách du lịch tại Việt Nam để công bố báo cáo Vietnam Travel Market Tracker Q1/2023, thể hiện xu hướng đi du lịch của người tiêu dùng trong ba tháng đầu năm.

Gen Y vẫn chiếm lĩnh thị trường

Trong quý I, phần lớn khách du lịch tại Việt Nam có độ tuổi dưới 42 tuổi. Khách du lịch thuộc Gen Y (những người từ 27 đến 42 tuổi) chiếm tỷ lệ cao nhất. Xếp ngay phía sau là Gen Z (những người từ 18 đến 26 tuổi). Khoảng cách giữa hai nhóm này là không quá đáng kể.

Trong quý I, nhóm khách du lịch thuộc Gen X (những người từ 43 đến 59 tuổi) và Baby boomer (những người từ 59 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng vẫn tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng trưởng nhóm khách du lịch thuộc Gen Z tương đối cao. Điều này cho thấy nhóm tuổi này đã đi du lịch nhiều hơn sau khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát. Ngược lại, dù vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất, song lượng khách du lịch thuộc Gen Y trong quý I đã giảm so với cùng kỳ.

Nhóm khách du lịch Gen Z tại Việt Nam ngày càng tăng. (Ảnh: Thanh Niên).

Những gia đình có thu nhập khá có nhu cầu đi du lịch ngày càng cao

Theo báo cáo, nhóm khách hàng đi du lịch trong quý I có mức thu nhập khá (15 -45 triệu đồng/tháng) chiếm hơn một nửa.

Đứng ngay sau là các khách hàng thuộc nhóm hộ gia đình có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng. Những người có thu nhập hộ gia đình cao (trên 45 triệu/tháng) xếp cuối cùng.

So với năm ngoái, tỷ lệ khách du lịch có thu nhập hộ gia đình dưới 15 triệu đồng/tháng giảm đáng kể, trong khi những người có thu nhập hộ gia đình khá tăng lên.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, khiến các hộ gia đình có thu nhập dưới 15 triệu/tháng thắt chặt chi tiêu, qua đó kéo theo nhu cầu đi lại giảm xuống.

Nhóm khách du lịch nam giới và nữ giới có tỷ lệ khá cân đối

Tỷ lệ khách nam và nữ khá tương đương nhau trong quý I, trong đó lượng khách nam nhỉnh hơn đôi chút. So với năm ngoái, tỷ lệ khách du lịch là nam giới đã giảm tương đối, trong khi tỷ lệ khách nữ lại tăng lên. Điều này cho thấy sự cân bằng về giới tính trên thị trường du lịch Việt Nam trong ba tháng đầu năm.

Nhân viên full-time đi du lịch nhiều hơn

Tỷ lệ khách du lịch là những người đang làm các công việc full-time chiếm hơn nửa lượng khách du lịch tại Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2023. Đứng ở các vị trí tiếp theo là nhóm khách đang làm các công việc tự do, bán thời gian và các loại hình khác.

Ngoài ra, tỷ lệ người về hưu đi du lịch trong ba tháng đầu năm rất ít. Điều này phần nào phản ánh sự tương đồng với tỷ lệ khách du lịch theo độ tuổi, khi tỷ lệ người về hưu đi du lịch gần như bằng với tỷ lệ Baby boomers.

Khách du lịch trung bình đi từ một đến ba chuyến trong quý I

Nhu cầu đi lại của du khách tại Việt Nam trong quý vừa qua vẫn khá cao, ở mức trung bình một tới ba chuyến.

Theo báo cáo, nguyên nhân chính dẫn tới điều này là do nhu cầu bị dồn nén từ năm 2022. Ngoài ra, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy người tiêu dùng đi du lịch nhiều hơn.

Người tiêu dùng Việt thích đi du lịch tự túc

Nhiều du khách Việt tiếp tục chọn hình thức đi du lịch tự túc thay vì đi theo tour. Trong ba tháng đầu năm, có tới 80% người tham gia khảo sát cho biết họ chọn cách đi du lịch tự túc cùng người thân, bạn bè hoặc đi một mình.  

Các điểm đến trong nước vẫn hấp dẫn khách hàng

Người tiêu dùng tại Việt Nam vẫn ưu tiên các điểm đến nội địa trong quý I năm nay. Top 5 điểm đến hàng đầu trong nước lần lượt là Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM.

Trong số các điểm đến nước ngoài, Đông Á và Đông Nam Á tiếp tục được ưa chuộng nhất, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Thái Lan. Vương quốc Anh là quốc gia không thuộc châu Á duy nhất lọt vào top 5.

Cuối cùng, theo khảo sát của Outbox, du khách Việt Nam có một số thay đổi so với thời gian trước. Giai đoạn đầu năm, nhóm khách du lịch phổ biến nhất là Gen Y và Gen Z, những người có thu nhập hộ gia đình từ 15-45 triệu đồng/tháng, lao động toàn thời gian và không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ. Họ vẫn có nhu cầu đi lại cao, thích du lịch tự túc và du lịch trong nước.

Anh Nguyễn

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.