|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhóm IFC bất ngờ trở thành cổ đông lớn của PVI

13:05 | 10/08/2021
Chia sẻ
Sau khi nhận chuyển nhượng 6,29% cổ phần từ HDI Global SE, IFC cùng hai quỹ đầu tư của mình đã chính thức trở thành cổ đông của PVI. Ước tính giá trị thương vụ chuyển nhượng đạt hơn 500 tỷ đồng.

Theo thông tin từ IFC, tổ chức này và hai quỹ đầu tư do IFC quản lý đã đầu tư vào Công ty Cổ phần PVI, một trong những doanh nghiệp bảo hiểm có thị phần lớn trong mảng phi nhân thọ tại Việt Nam. 

Cụ thể, IFC và Quỹ Châu Á Mới nổi IFC và Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC đã mua 6,29% cổ phần của CTCP PVI từ cổ đông chiến lược lớn, HDI Global SE.

Hai quỹ đầu tư trên thuộc sự quản lý của Công ty Quản lý Tài sản IFC,  một công ty con của IFC.

IFC kỳ vọng rằng khoản đầu tư này sẽ giúp PVI tăng cường vị thế tại Việt Nam và mở rộng hoạt động ở khu vực Đông Nam Á. IFC và các quỹ của IFC, cùng với HDI Global SE cũng sẽ hỗ trợ PVI về vấn đề quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro.

Sau khi bán cổ phần cho IFC và các quỹ của IFC, HDI Global SE vẫn là cổ đông lớn nhất của CTCP PVI và có 48,1% quyền biểu quyết. Kết hợp với nhau, HDI Global SE và IFC và các quỹ sẽ nắm giữ trên 54% quyền biểu quyết tại CTCP PVI.

Nhóm IFC bất ngờ trở thành cổ đông lớn của PVI - Ảnh 1.

Diễn biến giá cổ phiếu PVI trong thời gian qua. (Nguồn: Trading View).

Trong một động thái có liên quan, mới đây HDI Global SE đã đăng ký bán hơn 14 triệu cổ phiếu PVI (tương đương khoảng 6,2% vốn cổ phần) với mục đích cơ cấu lại đầu tư, thời gian dự kiến giao dịch bắt đầu từ ngày 6/8 đến 1/9, theo phương thức thoả thuận. 

Mặc dù kết quả giao dịch chưa công bố nhưng nhiều khả năng đây là số cổ phiếu mà HDI Global SE đã bán cho nhóm IFC. Ước tính với mức giá đóng cửa ngày hôm trước tại 40.800 đồng/cp, giá trị của thương vụ đạt khoảng 571 tỷ đồng.

Chuyển đổi từ một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần niêm yết vào năm 2007, CTCP PVI là công ty mẹ sở hữu Tổng Công ty Bảo hiểm PVI, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần Tái Bảo hiểm PVI, một trong hai doanh nghiệp tái bảo hiểm trong nước duy nhất tại Việt Nam. 

IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới: là tổ chức phát triển toàn cầu tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi hoạt động tại trên 100 quốc gia.

Trong năm tài chính 2020, tổng đầu tư của IFC vào các doanh nghiệp tư nhân và định chế tài chính tại các nước đang phát triển đạt trên 22 tỷ USD.

Về Công ty Quản lý Tài sản IFC

Công ty Quản lý Tài sản IFC (AMC) là công ty con của IFC, huy động và quản lý vốn để đầu tư vào các doanh nghiệp tại các thị trường đang phát triển và cận biên. Thành lập năm 2009, AMC cung cấp cho các nhà đầu tư tổ chức cơ hội tiếp cận đặc thù đối với danh mục đầu tư tiềm năng vào các thị trường mới nổi và chuyên môn đầu tư của IFC.

Các nhà đầu tư vào các quỹ do AMC quản lý bao gồm các quỹ tài sản công, quỹ hưu trí và các định chế tài chính phát triển. AMC đã huy động được trên 10 tỷ USD thông qua 13 quỹ đầu tư bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay, và nguồn vốn từ các sản phẩm quỹ.

Về Quỹ châu Á Mới nổi IFC

Quỹ châu Á Mới nổi IFC trị giá 693 triệu USD, ra mắt năm 2016, thực hiện các khoản đầu tư vốn và tương tự vốn trong tất cả các lĩnh vực tại các thị trường mới nổi ở châu Á.

Về Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC

Quỹ Tăng trưởng Hướng tới Các Định chế Tài chính IFC trị giá 505 triệu USD, ra mắt năm 2015, thực hiện các khoản đầu tư vốn và tương tự vốn trong ngành dịch vụ tài chính ở các thị trường mới nổi trên toàn cầu.

Diệp Bình

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.