|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IFC: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu

07:14 | 18/05/2023
Chia sẻ
Theo ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam, không mất nhiều thời gian và khó khăn để mở thị trường nợ xấu, chỉ cần chỉ ra cơ hội để các định chế ngoài ngân hàng có thể thu hồi tài sản như qua một đại lý trong nước bởi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường này.

Phát biểu tại Hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" diễn ra ngày 17/5, ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam cho hay, mua bán nợ là không chỉ là thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp để tạo ra một thị trường mở nếu Việt Nam muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

"Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa", ông Darryl Dong nói.

Ở Việt Nam, chúng ta đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến này vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.

IFC đưa ra hai khuyến nghị cho việc sửa đổi xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi). Một là, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.

Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu. Trong đó, nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng. Các bên mua bán nợ xấu rất quan trọng, bên mua nợ xấu cần được kế thừa đầy đủ trách nhiệm quyền hạn với khoản nợ xấu được mua.

Hai là, xử lý tài sản bảo đảm - dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một nút chặn.

Nợ là vấn đề của một bên nhưng là cơ hội cho bên kia

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam. (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong lý giải, Việt Nam có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước.

Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu.

Ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường, Đại diện IFC đánh giá.

Ông cũng nêu ví dụ về việc trước đây, Ấn Độ không cấp quyền cho các ngân hàng thương mại (NHTM) được chạm vào tài sản, sau khi Ấn Độ thông qua đạo luật đảm bảo thủ tục rút gọn về mặt pháp lý song song với hệ thống luật hiện hành về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm để nếu tài sản, nợ khó đòi đạt tiêu chuẩn của luật đó thì quá trình giải quyết rất nhanh không cần tham gia của cơ quan tố tụng.

Nhà đầu tư lớn đã rất trông đợi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào thị trường này. Đây là thông lệ tốt và Việt Nam nên tham khảo để làm sạch nợ khó đòi không phải giấu nó.

Không mất nhiều thời gian và khó khăn để mở thị trường nợ xấu, chỉ cần chỉ ra cơ hội để các định chế ngoài ngân hàng có thể thu hồi tài sản như qua một đại lý trong nước nhưng hiện nay không có một khe cửa hẹp nào cho nhà đầu tư nước ngoài để tham gia. 

Nợ là tài sản, đó có thể là vấn đề của một bên nhưng lại cơ hội bên kia, đây là vấn đề không tách rời hoạt động ngân hàng. Khoản tiền có thể không phải thu hồi 100% nhưng vẫn là phần nào đó giúp cải thiện bảng cân đối.

Cần có cơ hội để bên mua trực tiếp làm việc với bên vay, không nên ngần ngại để trao khả năng này cho các định chế phi ngân hàng, ông Darryl Dong đề xuất.

Cần mở cửa thị trường mua bán nợ cho NĐT nước ngoài

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE). (Ảnh: Nhà Đầu tư).

Chia sẻ về vấn đề này, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài (VAFIE) bày tỏ quan điểm tán thành ý kiến của IFC là cần mở cửa thị trường mua bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN). Các nhà đầu tư nước ngoài phải có một đại lý là người Việt Nam, như vậy hoàn toàn chúng ta giám sát được việc mua - bán nợ.

"Tôi cũng đồng tình cần tiến tới có luật về nợ xấu nhưng kinh nghiệm về nợ xấu đã được Quốc hội ban hành và sửa đổi trong Luật Các TCTD, như vậy không thể sửa đổi dự thảo này. Chúng ta chấp nhận có một chương và đầy đủ hơn. Tôi cũng đề nghị Quốc hội tiến tới sau năm 2025 cần có một luật về xử lý nợ xấu", ông nói.

Nhắc lại câu chuyện từ năm 1992, GS. Mại cho biết, khi đó Việt Nam vay nợ nước ngoài rất nhiều. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Ủy ban Nhà nước hợp tác đầu tư phối hợp để xử lý 100 triệu USD đầu tiên. Có một công ty mua bán nợ của Hà Lan và và chúng tôi đã thỏa thuận bán nợ có 15%.

Lúc đó, chúng ta không có tiền trả nợ và cũng không có tiền trả số 15% thỏa thuận bán, do đó chúng ta cho họ có quyền được một số dự án ưu tiên, họ đưa nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện và lấy tiền dịch vụ..., GS. Mại cho hay.

"Chúng tôi dành cho họ hai dự án ưu tiên tại TP.HCM. Nghĩa là Việt Nam xóa được 100 triệu USD, trong khi dự trữ ngoại hối lúc đó chỉ có mấy triệu USD", GS. Mại nhắc lại.

 

 

 

 

 

Hạ An