|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhóm đối tượng gây rối đòi VietABank hoàn trả số tiền gần 200 tỷ đồng

08:19 | 03/01/2019
Chia sẻ
VietABank cho biết, một số đối tượng đã kéo đến trụ sở ngân hàng gây rối ép phải trả số tiền lên tới gần 200 tỷ đồng, mặc dù không xuất trình được các chứng từ hợp lệ, hợp pháp thể hiện quyền sở hữu đối với số tiền này.

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa phát đi thông tin liên quan đến vụ việc một số đối tượng đã kéo đến trụ sở ngân hàng gây rối mới đây.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 27/12/2018, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”.

Liên quan tới vụ việc này, hôm nay 3/1, VietABank tiếp tục phát đi thông tin liên quan đến vụ việc một số đối tượng đã kéo đến trụ sở ngân hàng gây rối mới đây.

nhom doi tuong gay roi doi vietabank hoan tra so tien gan 200 ty dong
Phòng giao dịch VietABank

Ngân hàng này cho biết, tháng 12/2018, một khách hàng gửi tiền tại Ngân hàng Việt Á là ông Đặng Nghĩa Toàn (ông Toàn đứng tên chung sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á với Nguyễn Thị Hà Thành) đã lôi kéo một số đối tượng tới chi nhánh Ngân hàng Việt Á công khai gây rối, căng băng rôn, biểu ngữ với nội dung bịa đặt, vu khống nhằm hạ uy tín ngân hàng; cử người trong đó có các đối tượng xăm trổ có các hành vi đe dọa, thị uy, uy hiếp tinh thần nhân viên Ngân hàng Việt Á như mang bún đậu mắm tôm vào quầy giao dịch ...

Khi ấy, ngân hàng đã cử cán bộ tiếp đón và làm việc. "Những người này không xuất trình được tài liệu chứng minh họ là khách hàng của Việt Á, trái lại họ từ chối làm việc, có thái độ bất hợp tác và có nhiều hành vi gây rối khác", thông tin cho hay.

Theo VietABank thì mục đích của nhóm đối tượng này là ép Ngân hàng Việt Á phải trả số tiền lên tới gần 200 tỷ đồng, mặc dù không xuất trình được các chứng từ hợp lệ, hợp pháp thể hiện quyền sở hữu đối với số tiền.

Ngân hàng cho biết, ông Đặng Nghĩa Toàn có gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á (có sổ tiết kiệm đứng tên đồng sở hữu với đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành, có sổ tiết kiệm đứng tên một mình); sổ tiết kiệm đã được cầm cố tại Ngân hàng Việt Á; đến hạn, sổ tiết kiệm đã được tất toán, số dư còn lại được chuyển vào tài khoản của ông Đặng Nghĩa Toàn và ông Toàn đã rút toàn bộ số tiền này ra khỏi 2 tài khoản của mình ngay ngày hôm sau.

Cụ thể: Một là sổ tiết kiệm số KH196xxxx mang tên Đặng Nghĩa Toàn hết hạn vào ngày 05/12/2018 đã được cầm cố để vay số tiền tương đương 97,5% giá trị sổ tiết kiệm từ ngày 05/11/2018 với thời hạn vay 01 tháng; số tiền vay này đã được Ngân hàng Việt Á giải ngân vào chính tài khoản của ông Đặng Nghĩa Toàn; ngay sau đó, ông Toàn đã làm ủy nhiệm chi để chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của Nguyễn Thị Hà Thành - đối tượng đã bị công an TP Hà Nội bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai là, khi đến hạn tất toán khoản vay (05/12/2018), sau khi đối trừ tiền gửi và tiền vay, số tiền còn lại của Sổ tiết kiệm số KH196xxxx đã được chuyển vào 2 tài khoản thanh toán của ông Đặng Nghĩa Toàn tại Ngân hàng Việt Á;

Ba là, ngay hôm sau (06/12/2018) ông Đặng Nghĩa Toàn đã đến một Phòng giao dịch khác của Ngân hàng Việt Á tại Hà Nội để rút toàn bộ số tiền nêu trên từ 2 tài khoản đứng tên của mình (Ngân hàng Việt Á có đầy đủ hình ảnh Toàn ký chứng từ giao dịch và nhận tiền).

Cũng theo ngân hàng, "ông Toàn lại rất bất nhất trong quá trình làm việc với Ngân hàng Việt Á". Cụ thể, ngày 12/12/2018, ông Toàn đột ngột chủ động mang theo khoảng 30 người đến Ngân hàng, đe dọa, thị uy, gây áp lực yêu cầu làm việc với ban lãnh đạo ngân hàng và bất ngờ thông báo việc ông này đã làm mất sổ tiết kiệm số KH196xxxx nêu trên, đồng thời uy hiếp tinh thần, ép ngân hàng phát hành sổ tiết kiệm khác cho ông Toàn với cùng giá trị sổ tiết kiệm ông Toàn đã báo mất.

Ngày 28/12/2018 tại buổi làm việc với đại diện Ngân hàng Việt Á, ông Đặng Nghĩa Toàn lại phủ nhận việc báo mất sổ tiết kiệm được nêu tại biên bản làm việc ngày 12/12/2018 và cố tình cưỡng ép ngân hàng trả lại sổ tiết kiệm mà theo ông Toàn đã được cầm cố tại ngân hàng.

Theo ngân hàng, "những hành động hung hăng, có tính côn đồ, coi thường luật pháp của Toàn và những đối tượng có liên quan trong thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động thường nhật của Ngân hàng Việt Á mà còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng khác cùng với các thủ đoạn tương tự".

Hiện ngân hàng đã báo cáo các cơ quan chức năng để chủ động ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các khách hàng chân chính và của ngân hàng.

Ngoài ra, cơ quan an ninh điều tra công an thành phố Hà Nội đang khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ sự thật; Ngân hàng Việt Á đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý.

Xem thêm

An Hạ

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.