|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN niêm yết giá chào mua USD: Một mũi tên trúng ba đích

08:36 | 16/12/2022
Chia sẻ
Ngân hàng nhà nước Việt Nam chính thức niêm yết lại giá chào mua USD tại mức 23.450 sau khi ngưng công bố từ cuối tháng 8/2022. Đây thực sự là chìa khóa quan trọng giải quyết nhiều vấn đề lúc này mà những công cụ điều hành tiền tệ bình thường khác hiện tại không xử lý nổi. Hành động này là một mũi tên trúng ba đích.

Một mũi tên trúng ba đích

Thứ nhất, niêm yết giá chào mua tại 23.450 VND/USD thể hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng tỷ giá ở vùng hiện tại đã là "phù hợp" và không muốn tỷ giá tiếp tục giảm thêm nên chặn "sàn" tại mức này, cũng là mức ổn định được duy trì bình quân trong vòng 5 năm qua. Đây là việc làm cần thiết bởi nếu không kiểm soát và để VND lên giá quá nhanh với USD và các đồng tiền cũng sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với nền kinh tế.

Thứ hai, trong quý I/2023 sẽ có khoảng 7 tỷ USD hợp đồng bán kỳ hạn trước đó sẽ đáo hạn, nếu không hủy ngang thì sẽ có tương ứng khoảng xấp xỉ 160.000 tỷ đồng bị rút khỏi hệ thống. Chặn mua dưới cũng là cách để trung hòa lượng USD sẽ bán ra.

Thứ ba, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất căng thẳng đã đẩy lãi suất thị trường 1 lên phi lý. Muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này thì "bơm tiền" trực tiếp mới xử lý được, kênh OMO hay chiết khấu/ tái cấp vốn không giải quyết được. Mua ngoại tệ là kênh hiệu quả nhất để xử lý bài toán thanh khoản lúc này.

Vấn đề lúc này là NHNN chào mua USD nhưng ngân hàng thương mại (NHTM) có chịu bán USD cho NHNN hay không thì là quyền của họ. Vậy làm sao chúng ta biết dấu hiệu NHNN sẽ mua USD?

Câu trả lời nằm ở biểu đồ 1 (diễn biến điều hành tỷ giá), nếu tỷ giá liên ngân hàng nằm dưới tỷ giá chào mua của NHNN thì lúc đó xác xuất lớn là NHNN sẽ mua vào USD. Tuy nhiên bình thường rất khó tiếp cận được tỷ giá liên ngân hàng vậy nên có một mẹo là lấy tỷ giá trung bình mua bán của NHTM để thay thế tạm.

Nếu tỷ giá trung bình này nằm dưới tỷ giá chào mua của NHNN thì xác xuất lớn là NHNN đang mua USD.

 Nguồn: Wichart.

Nhìn biểu đồ 1 có thể thấy tỷ giá trung bình đã tiệm cận với mức tỷ giá chào mua của NHNN nên rất có thể trong phiên hôm nay (ngày 16/12), nhiều khả năng sẽ có một vài ngân hàng với trạng thái dương sẽ bắt đầu bán USD cho NHNN, tuy nhiên khối lượng cụ thể cần chờ đến cuối ngày.

Vấn đề "tỷ giá căng thẳng" đã được xử lý dứt điểm chưa?

Vẫn như quan điểm từ đầu tháng 12, theo người viết là đã dứt điểm và mọi thứ đang đảo ngược nhanh, bởi 4 lý do sau:

Thứ nhất, lãi suất của Mỹ tăng nhưng lãi suất của Việt Nam còn tăng nhanh hơn, đặc biệt với các loại lãi suất trên thị trường 1. Kể cả Fed Fund Rate có lên tới 5.5% thì chênh lệch lãi suất vẫn ổn. Vậy nên áp lực rút vốn sẽ giảm và có thể đảo ngược, tức dòng tiền sẽ lại chảy về Việt Nam.

Nhìn biểu đồ 2 (bóc tách cán cân tổng thể) có thể thấy quý II và III vừa rồi đã có hơn 20 tỷ USD rút khỏi Việt Nam qua kênh đầu tư gián tiếp, tín dụng huy động và sai sót (không phải FDI). Đặc thù của dòng vốn này là đảo chiều cực nhanh và mạnh.

Nguồn: Wichart. 

Với chênh lệch lãi suất (biểu đồ 3) và xu hướng mạnh lên của VND thì dòng vốn này sẽđảo ngược mạnh mẽ. Vậy cho nên đã đến giai đoạn chúng ta nên giảm sự quan tâm đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed).

Nguồn: Wichart. 

Thứ hai, cán cân vãng lai nhiều khả năng sẽ phục hồi rất mạnh trong năm 2023 khi cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư lớn và xuất nhập khẩu dịch vụ thay vì âm 4 tỷ USD mỗi quý sẽ chỉ còn âm khoảng 2 tỷ USD mỗi quý trong năm 2023 (ước tính của người viết) khi Trung Quốc mở cửa trở lại và khách quốc tế quay trở lại Việt Nam nhiều hơn.

Giai đoạn căng thẳng vừa qua NHNN đã bán ra 25 tỷ USD nhưng chỉ có 20 tỷ USD chảy ra khỏi Việt Nam (tính đến cuối quý III), nghĩa là USD vẫn được găm ở đâu đó trong Việt Nam. Như vậy việc USD tăng mạnh đã có nhiều đại gia ôm USD, thậm chí đi vay để ôm.

Giai đoạn này tỷ giá đảo ngược quá nhanh có thể không ít đơn vị bị call và là nguồn cung tiềm năng ghìm giá USD.

Cuối cùng, không có động lực nào đủ lớn để Dollar Index sẽ tăng vọt lên lại 110-120. Có chăng rủi ro đến nhiều hơn từ nhân dân tệ. Như vậy theo ý kiến của cá nhân người viết, thời gian tới xu hướng USD/VND sẽ yếu đi hoặc nếu có tăng thì NHNN có thể xử lý nhanh gọn.

Hay nói cách khác xu hướng mua USD của NHNN sẽ là xu hướng chủ đạo. Và xa xôi hơn, chúng ta đã quay trở về với thời kỳ "bơm tiền".

Tác động thế nào đến đầu tư

Dĩ nhiên là bơm tiền thì thanh khoản được xử lý, mà thanh khoản được xử lý thì lãi suất sẽ giảm hoặc ít nhất cũng ngừng tăng. Không phải ngẫu nhiên mà lại có "chỉ thị" về việc giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5% vào đúng hai ngày nay. Đỉnh trung hạn dài của lãi suất sẽ là đáy trung dài hạn của thị trường. Nhấn mạnh là không nói ngắn hạn dưới 1 tháng.

Dĩ nhiên, tùy thị trường mà sự phản ứng sẽ khác nhau, trái phiếu và cổ phiếu sẽ phản ứng trước, bất động sản sẽ luôn đi sau 6 tháng đến 1 năm.

Nhiều doanh nghiệp lỗ tỷ giá trong quý II và III vừa rồi, điển hình như Hoà Phát sẽ không còn phải gánh lỗ tỷ giá. Nhưng câu chuyện không đủ lớn vì họ chỉ không còn gánh lỗ chứ kỳ vọng có lời rất thấp vì tỷ giá mà NHNN muốn ghim chỉ tương đương chốt sổ tháng 9. 

Vậy cho nên có thể giờ là lúc thị trường lại cần phải điểu chỉnh ngắn hạn để lấy đà cho một chu kỳ trung và dài hạn. 

Trần Ngọc Báu - CEO WiGroup

Bài viết được trích dẫn theo sự đồng ý của tác giả