|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia: Fed tăng lãi suất đúng như kịch bản, lãi suất và tỷ giá trong nước sẽ giảm nhiệt

07:18 | 16/12/2022
Chia sẻ
Đối với quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm % của Fed, TS. Cấn Văn Lực nhận định lý do chính là do lạm phát của Mỹ cũng như lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và giảm nhiệt. Việc này sẽ giảm bớt đi áp lực đối với việc tăng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.

Ngày 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,5 điểm %, lên 4,25 - 4,5%. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất thêm 0,5 điểm % sau khi tăng với tốc độ 0,75 điểm % trong 4 cuộc họp liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 11.

Nhận định về động thái này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng đây là quyết định đã nằm trong kịch bản và dự đoán từ trước đó và lý do chính là do lạm phát của Mỹ cũng như lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và giảm nhiệt.

Theo chuyên gia, động thái tăng lãi suất lần này của Fed có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường Việt Nam.

“Đối với mức tăng lãi suất như vậy của Fed thì rõ ràng sẽ giảm bớt đi áp lực đối với việc tăng lãi suất và tỷ giá của Việt Nam”. TS. Lực nhận định.

Theo kế hoạch trong quý I năm tới, Fed sẽ còn tăng lãi suất hai lần nữa vào tháng 1 và tháng 3 mỗi lần tăng 0,25 điểm %, khi đó lãi suẩt sẽ vào khoảng 4,75 - 5%. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình kinh tế Mỹ, có thể Fed sẽ không tăng nữa.

"Nếu giả sử kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái tương đối nhiều thì có thể Fed sẽ quyết định giảm nhẹ lãi suất", chuyên gia Cấn Văn Lực cho hay.

 TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia  (Ảnh: Báo Đầu tư).  

Trước đó, tại toạ đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp", TS. Cấn Văn Lực cũng đã nêu vấn đề về cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá. Theo ông, nếu bây giờ muốn kiểm soát tốt tỷ giá như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm thời gian qua thì phải tăng lãi suất. Nhưng vấn đề là tăng tới mức độ nào, doanh nghiệp có chịu được không?, TS. Lực nêu vấn đề.

Ông cũng dự báo rằng áp lực lãi suất và tỷ giá năm tới sẽ nhẹ hơn nhiều so với năm nay. Bên cạnh đó Việt Nam cần tính toán việc cân bằng lãi suất và tỷ giá cho phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông, với bối cảnh vĩ mô ở thời điểm hiện tại, chính sách tiền tệ vẫn đang thu hẹp, tỷ giá tương đối cao, lãi suất cao, dự trữ ngoại hối tương đối nhiều, do đó, cần phải đẩy mạnh thêm về chính sách tài khóa. Trong năm tới, chính sách tài khoá cần có thêm chính sách hỗ trợ người dân như thuế, phí, có thể giãn, hoãn, hoặc giảm, xem xét cả câu chuyện trợ giá, xăng dầu, năng lượng,...

Lãi suất sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn

Các chuyên gia phân tích cho rằng rằng áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023. Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 của VNDirect nhận định sự kết hợp giữa hai xu hướng Fed “bớt diều hâu” hơn từ giữa 2023 và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2% so với mức hiện tại

VNDirect ước tính dự trữ ngoại hối sẽ hồi phục lên mức 102 tỷ USD vào cuối 2023, từ mức khoảng 89 tỷ USD hiện nay. Trước khả năng lộ trình thắt chặt của các ngân hàng trung ương sẽ chậm dần lại, và lạm phát trong nước vẫn đang trong tầm kiểm soát, chuyên gia cho rằng NHNN chưa cần nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam dự báo lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ có khuynh hướng hạ nhiệt dần trong ngắn hạn.

Nhìn lại thời điểm tháng 8-10, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều tăng rất cao, gây ra khó khăn cho nền kinh tế trong bối cảnh doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn COVID-19. Ông Minh cho rằng nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất cho vay tăng đột biến do room tín dụng hạn hẹp trong khi nhu cầu lại lớn, tức nguồn cung tiền thấp khiến lãi suất cho vay tăng nóng.

Bên cạnh đó, việc NHNN cấp thêm room tín dụng cũng sẽ giúp lãi suất cho vay ra có khuynh hướng hạ nhiệt, nhiều khả năng là thanh khoản hệ thống đã dồi dào trở lại.

Huyen Vi