NHNN hút ròng hơn 38.000 tỷ đồng, giảm lãi suất tín phiếu về dưới 4% trong tuần qua
Trong tuần từ 10/2-14/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho các thành viên vay tổng cộng gần 85.634 tỷ đồng với lãi suất 4% trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá. Cùng thời gian trên, khối lượng đáo hạn lên tới gần 121.139 tỷ đồng. Như vậy, tổng hút ròng qua kênh này lên tới 35.505 tỷ đồng.
Trên kênh tín phiếu, ngân hàng đã phát hành 19.600 tỷ đồng tín phiếu trong tuần từ 10/2-14/2, tuy nhiên có gần 17.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, do đó lượng hút ròng qua kênh này khoảng 2.600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, NHNN đã giảm lãi suất tín phiếu lần đầu tiên trong năm 2025. Theo ghi nhận từ Wichart, lãi suất tín phiếu đã giảm tổng cộng 0,1 điểm %, cụ thể nhà điều hành đã hạ lãi suất tín phiếu từ 4% về 3,97% tại ngày 13/2; tiếp tục giảm xuống 3,9% ở phiên 14/2.
Như vậy, tổng cộng trong tuần qua (từ 10/2 đến 14/2) NHNN đã hút về 38.105 tỷ đồng sau nhiều tuần bơm ròng liên tiếp.
Trong tuần qua (từ 10/2 đến 14/2) NHNN đã hút về 38.105 tỷ đồng. (Ảnh: Wichart)
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã giảm từ mốc 5,54% vào đầu tuần về mức 4,25% vào ngày 13/2, trong khi lãi suất các kỳ hạn từ một tuần tới một tháng hiện dao động từ 4,45% - 4,67%, đều hạ nhiệt so với ghi nhận trong phiên đầu tuần (ngày 10/2).
Trước bối cảnh áp lực tăng lên tỷ giá chững lại, tuy nhiên vẫn có thể ghi nhận những rủi ro nhất định, công cụ tín phiếu và mua kỳ hạn sẽ tiếp tục được linh hoạt sử dụng nhằm nhằm giảm bớt áp lực. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng có thể giao dịch quanh ngưỡng cao, đảm bảo mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trong thời gian tới.

(Ảnh: Wichart)
Về diễn biến tỷ giá USD/VND giảm dần trong tháng một và giao dịch ở mức 25.085 trên thị trường liên ngân hàng vào ngày 24/1 (ngày làm việc cuối cùng của tháng 1) – tương đương giảm 1,6% so với cuối năm 2024.
Một số yếu tố giúp tỷ giá hạ nhiệt bao gồm NHNN bán USD theo hợp đồng kỳ hạn vào ngày 3 và ngày 6/1 nhằm ổn định tỷ giá.; chỉ số DXY giảm 1 % từ ngày 31/12/2024 đến ngày 24/01/2025 và nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối trước Tết Nguyên đán.
Nhận định về tỷ giá, chứng khoán Vietcap dự phóng một số yếu tố có thể gây áp lực lên tỷ giá USD/VND trong tháng 2/2025, bao gồm thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng có thể làm giảm lãi suất liên ngân hàng và tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, ngày 11/2, NHNN đã tăng tỷ giá bán USD thêm 1% lên 25.698 từ mức 25.450, tạm dừng bán ngoại tệ và nhu cầu từ Kho bạc Nhà nước để thanh toán trái phiếu bằng USD.
Tuy nhiên, nhóm phân tích Vietcap cho biết nguồn cung ngoại tệ từ FDI, kiều hối, thặng dư thương mại hàng hóa và thâm hụt thương mại dịch vụ thu hẹp có thể giúp hỗ trợ tỷ giá USD/VND.
Tỷ giá có thể chạm mốc 26.000 VND/USD vào cuối năm 2025
Chứng khoán Tiền Phong (TPS) dự báo tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng trong năm 2025 và có thể chạm mốc 26.000 VND/USD vào cuối năm, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại tiến trình cắt giảm lãi suất, bên cạnh đồng USD mạnh lên có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế, khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trở nên thận trọng hơn.
Trong bối cảnh này, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm và tăng trần tỷ giá USD bán ra. "Việc tăng trần tỷ giá USD cho phép NHNN có thêm công cụ để can thiệp vào thị trường sau này khi cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dự trữ ngoại hối có thể bị ảnh hưởng", báo cáo TPS phân tích.
Các chuyên gia TPS nhận định việc tỷ giá tăng mạnh đầu năm còn gây bất ngờ với giới đầu tư khiến cho phản ứng của thị trường có phần thái quá trong các phiên ngày 12/2/2025.
"Tuy nhiên dựa trên định hướng thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ trong năm nay của chính phủ và tình hình bất ổn về chính trị thương mại thế giới, kịch bản tỷ giá USD/VND giới hạn tới 26.000 VND/USD là một kịch bản tích cực", báo cáo TPS nêu rõ.
(Nguồn: TPS)