|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN giảm tốc độ hút tiền, rút ròng 10.000 tỷ đồng trong phiên 19/3

17:40 | 19/03/2024
Chia sẻ
Trong phiên 19/3, NHNN hút 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất giảm nhẹ xuống 1,35%/năm.

Hôm nay (19/3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút 10.000 tỷ đồng khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày. Tổng cộng có 12 thành viên tham gia đấu thầu và có 10 thành viên trúng thầu. So với phiên 18/3, lãi suất trúng thầu đã giảm 0,05 điểm %, xuống 1,35%/năm. 

Trong 6 phiên trước, NHNN đã hút gần 90.000 tỷ đồng thông qua kênh tín phiếu, với tốc độ trung bình 15.000 tỷ đồng/phiên, lãi suất trung bình gần 1,4%/năm. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, NHNN đã hút về tổng cộng 100.000 tỷ đồng thanh khoản trong khi chưa có động thái bơm thêm. 

Do khối lượng hút tiền trong phiên 19/3 giảm, tốc độ phát hành trung bình trong 7 ngày vừa qua giảm xuống còn 14.288 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn cao hơn đáng kể so với trung bình của giai đoạn tháng 9 - 11/2023 là 10.300 tỷ đồng/phiên.

NHNN đã giảm tốc độ hút tiền trong phiên 19/3.

Nhà điều hành bắt đầu hút tiền trong bối cảnh thanh khoản dư thừa khi tín dụng quay đầu giảm trong những tháng đầu năm. Ngày 15/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm quay đầu giảm xuống 0,79%/năm, thấp hơn so với các phiên trước đó. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,6%/năm, không đổi so với phiên liên trước nhưng vẫn thấp hơn nếu so với mức 2,01%/năm ghi nhận hôm 13/3. 

Mặc dù NHNN đã hút tổng cộng 100.000 tỷ đồng, tỷ giá vẫn tiếp tục nóng. Trong phiên 19/3, tỷ giá tại ngân hàng thương mại tiếp tục tăng nhẹ và nằm sát đỉnh lịch sử, trong khi tỷ giá thị trường chợ đen cũng đang neo ở ngưỡng tương đối cao. 

(Ảnh: WiChart).

Trong một cuộc hội thảo hôm 19/3, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng động thái hút tiền của NHNN là chính sách thông minh, "vừa can thiệp vào thanh khoản thị trường dồi dào, vừa đẩy lãi suất liên ngân hàng lên một chút, giảm bớt áp lực tỷ giá và hạ lạm phát một chút". 

Ông Lực dự báo khi tín dụng tăng trở lại, thanh khoản bớt dồi dào thì NHNN sẽ không còn phải sử dụng đến công cụ này nữa. Ngoài ra, ông cũng khẳng định rằng về cơ bản, áp lực tỷ giá trong thời gian tới sẽ không còn nặng nề, giúp NHNN yên tâm, tránh phải sử dụng đến các công cụ khác.

Minh Quang