|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn lại những cổ phiếu có đồ thị 'hình cây thông' của nhóm Louis dưới thời ông Đỗ Thành Nhân

09:56 | 22/04/2022
Chia sẻ
Ai cũng hiểu rằng những con sóng tăng không dựa vào bản chất rồi sẽ trở về với giá trị thật của nó. Dù vậy, nhà đầu tư cá nhân luôn là người bị thiệt hại nặng nề nhất, những người lỡ ngồi trên đỉnh của ngọn thông và vẫn đang chờ ngày về bờ.

Là một trong những hiện tượng nổi lên từ năm 2021, cổ phiếu họ Louis đã có thời gian tạo sóng và được giới đầu tư chú ý. Tuy nhiên, giống như những mã đầu cơ tăng nóng sau đó chết yểu, các cổ phiếu trong hệ sinh thái Louis sau khi vẽ tiếp phần bên phải của mẫu hình cây thông đã không còn được dòng tiền đầu cơ ưu ái.

Vừa qua, thông tin ông Đỗ Thành Nhân, nguyên Chủ tịch HĐQT Louis Holdings, nguyên thành viên HĐQT Louis Capital, Louis bị khởi tố, bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán lại lần nữa khiến giới đầu tư nhớ về một thời các cổ phiếu liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân đã từng có một thời “vịt hóa thiên nga”.

Cổ phiếu họ Louis: Từ tăng phi mã đến giảm sàn liên tục

Thời điểm năm 2021, thị trường chứng khoán nóng lên bởi nhóm cổ phiếu “họ Louis" xoay quanh câu chuyện M&A một loạt các doanh nghiệp chỉ trong vài tháng.

Chỉ trong vòng nửa năm, Louis Holdings đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái trải dài từ lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, bất động sản tới cáp điện, viễn thông. Điểm chung của các doanh nghiệp gia nhập hệ sinh thái của Louis Holdings đều là các doanh nghiệp có quy mô vốn hoá nhỏ trên thị trường, hoạt động kinh doanh không nổi bật, kinh doanh bết bát, thậm chí có công ty bị đưa vào diện kiểm soát.

Chẳng hạn như Louis Land, tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Bidico), từng được cho là “cùng nhà” với CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (Mã: KSA) - doanh nghiệp từng gây chấn động thị trường trong vụ án thao túng giá cổ phiếu năm 2016.

Còn CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) cũng đang đối mặt với cáo buộc trốn thuế lớn nhất trên sàn chứng khoán với số tiền lên tới hơn 450 tỷ đồng. Dù vậy, sau khi về cùng mái nhà của Louis Holdings, các cổ phiếu đều tăng vọt một cách bất thường.

Louis Holdings bắt đầu gây chú ý trên thị trường tài chính sau khi liên tục mua cổ phần và nắm quyền chi phối Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư (Mã: BII) từ tháng 2/2021. Ngay sau khi "thay máu'' cổ đông, Bảo Thư đã miễn nhiệm và bổ nhiệm lại một loạt lãnh đạo cấp cao và đổi tên thành Louis Land.

Với sự tham gia của Louis Holdings, BII có chuỗi tăng bốc đầu từ 1.000 đồng/cp lên 6.000 đồng/cp chỉ trong vòng 3 tháng (11/2020 – 1/2021). Sau đó, mã này tiếp tục những chuỗi ngày tăng không thấy đỉnh lên gần 30.800 đồng/cp trong phiên 20/9/2021, trước khi liên tục đổ sàn. Thông tin ông Đỗ Thành Nhân bị bắt tạm giam về hành vi thao túng đang nối dài chuỗi giảm sàn của BII. Hiện thị giá mã này đã rơi về vùng 6.800/cp, tức bốc hơi 78% từ đỉnh lịch sử.

Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu BII theo tuần. (Nguồn: TradingView).

Với TGG, đơn vị này có tên cũ là CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang, hoạt động chính là thi công, xây lắp các công trình xây dựng. Thời điểm đầu năm 2020, thị giá mã này đi ngang quanh vùng 1.200 – 1.400 đồng/cp.

Đà tăng "phi mã" của cổ phiếu TGG trên thị trường xuất hiện sau khi Tập đoàn Louis Agro mua cổ phần vào khoảng tháng 5/2021. Sau khi gia nhập hệ sinh thái Louis, TGG được đổi tên thành CTCP Louis Capital, tập trung hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, đầu tư M&A, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, vỡi chuỗi tăng giá ấn tượng, TGG đã nhanh chóng “về mệnh” 10.000 đồng/cp, sau đó tiếp tục tăng vọt lên vùng đỉnh hơn 64.000 đồng/cp. Đi kèm sự đột biến về giá, TGG cũng ghi nhận những phiên giao dịch với thanh khoản kỷ lục, trước khi trượt dốc về vùng 14.250 đồng/cp như hiện tại.

Đồ thị kỹ thuật cổ phiếu TGG theo tuần. (Nguồn: TradingView).

Nối tiếp chuỗi thương vụ M&A, Louis Holdings mua lại 51% cổ phần AGM của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang từ nhóm Nguyễn Kim Group. Sau đó, ông Đỗ Thành Nhân cũng trở thành Chủ tịch doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất tỉnh An Giang từ giữa tháng 7.

Từ vùng giá 14.000 đồng/cp cuối tháng 4/2021, AGM tăng phi mã lên 62.000 đồng hồi giữa tháng 3/2022, tức tăng 343%. Với chuỗi điều chỉnh trong hơn 1 tháng gần đây, AGM đang giao dịch quanh vùng 42.000 đồng/cp.

Tương tự, những cố phiếu sau khi có sự xuất hiện của Louis Holdings như SMT của CTCP Samatel, DDV của DAP - Vinachem, APG của CTCP APG hay TDH của Thuduc House đều có thời khiến nhà đầu tư đứng ngồi không yên với đà tăng ấn tượng. Như một lẽ tất nhiên, sau khi các mã này được "thổi" lên mức giá cao không tưởng thì những phiên trượt dốc, giảm sàn liên tục đã xuất hiện.

Ai cũng hiểu rằng những con sóng tăng không dựa vào bản chất rồi sẽ trở về với giá trị thật của nó. Dù vậy, nhà đầu tư cá nhân luôn là người bị thiệt hại nặng nề nhất, những người lỡ ngồi trên đỉnh của ngọn thông và vẫn đang chờ ngày về bờ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thu Thảo