|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhìn lại điểm nóng quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm - Gần 20 năm chờ hồi kết

08:08 | 31/12/2018
Chia sẻ
Quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng duyệt từ năm 1996. Từ đó đến nay, người dân liên tục kiện tụng, khiếu nại vì không đồng tình về vấn đề xác định ranh giới quy hoạch và mức tiền đền bù đất quá "rẻ mạt". Đỉnh điểm khiếu kiện diễn ra trong năm 2018 khi xuất hiện thông tin bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị thất lạc...
quy hoach khu do thi moi thu thiem gan 20 nam cho hoi ket [Infographic] Từ bản đồ thất lạc tới uất ức 16 năm của người dân Thủ Thiêm
quy hoach khu do thi moi thu thiem gan 20 nam cho hoi ket Thủ Thiêm cách quận 1 mấy trăm mét, vậy mà 20 năm không phát triển?

Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích 720 ha, thuộc bán đảo Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM, nằm ở bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện với khu trung tâm hành chính – kinh tế hiện hữu của thành phố ở quận 1.

Theo quy hoạch được Thủ tướng duyệt vào năm 1996, tại đây sẽ mọc lên trung tâm thương mại, tài chính mới của TP HCM, đồng thời cung cấp chỗ ở cho 130.000 người.

quy hoach khu do thi moi thu thiem gan 20 nam cho hoi ket
Từ khi quy hoạch Thủ Thiêm được công bố vào năm 2002 đến nay, người dân liên tục khiếu nại liên quan đến giải phóng mặt bằng và vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: Dân trí)

Để thực hiện dự án này, công tác giải phóng mặt bằng đã xác nhận có đến gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời. TP HCM đã mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm, đến nay dự án đã giải phóng mặt bằng hơn 99%.

Tuy nhiên, công tác đền bù giải tỏa dự án đã làm dậy sóng dư luận khi người dân Thủ Thiêm liên tiếp khiến nại, khiếu kiện trong hơn 15 năm ròng rã (kể từ tháng 5/2002 - khi quy hoạch Thủ Thiêm được công bố). Vấn đề chủ yếu mà người dân không đồng tình là việc xác định ranh quy hoạch của dự án, có khoảng 100 hộ dân cho rằng đất mình ở không thuộc trong ranh quy hoạch căn cứ theo bản đồ quy hoạch gốc tỷ lệ 1/5000.

Ngoài ra, nhiều người cũng đưa ra số liệu chứng minh rằng mức đền bù đất cho người dân quá “bèo” so với giá bán của các dự án căn hộ mọc lên từ chính nền đất cũ của họ. Mức giá này theo phản ánh của người dân là ‘không đủ mua một căn hộ mới để an sinh cuộc sống của chính họ sau khi di dời khỏi nhà cũ tại Thủ Thiêm’.

Dư luận dậy sóng khi vào tháng 5/2018, thông tin bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bị thất lạc.

Ngày 7/9/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến ngày 21/9/2018, UBND TP HCM đã công bố kế hoạch thực hiện thông báo kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, trước ngày 15/10/2018, thành phố sẽ rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý để tiếp tục thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, trong đó có khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2.

Trước ngày 30/10/2018, thành phố tổ chức gặp gỡ các hộ dân khiếu nại liên quan đến phạm vi ranh quy hoạch và một số trường hợp đã di dời nhưng còn khiếu nại về chính sách hỗ trợ.

Trước ngày 1/11/2018, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án trong khu tái định cư theo quy hoạch đúng với kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Và trước ngày 30/11/2018, thành phố xây dựng chính sách bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân trong phần đất 4,3 ha, đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan tại thời điểm phát sinh vụ việc theo phân cấp quản lý cán bộ.

Liên tiếp trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, gặp gỡ người dân Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố đã lắng nghe hàng loạt khiếu nại, chất vấn của người dân liên quan đến vấn đề xác định ranh quy hoạch và mức giá đền bù đất cho người dân.

Tại các buổi gặp gỡ, tiếp xúc này, nhiều người dân Thủ Thiêm đã uất nghẹn nói về trường hợp của mình. Như bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (cử tri quận 2) nói về trường hợp của mình: hơn 3.780 m2 đất của gia đình bà chỉ được đền bù với giá 150.000 đồng/m2, bằng tiền mua 3-4 tô phở…

Cử tri Lê Thị Bạch Tuyết thì cho biết từng gọi điện đến phòng kinh doanh của dự án Khu đô thị Sala (dự án được xây dưng trên chính nơi ở cũ của gia đình bà đã giải tỏa) hỏi giá mua nhà thì được biết. Giá bán đất tại đây hiện lên đến 350 triệu đồng/m2 và đã bán hết, trong khi giá tiền đền bù trước đó bà nhận được là 18 triệu đồng/m2. Tức là, giá đất kinh doanh hiện nay cao gấp gần 20 lần so với giá tiền đền bù mà người dân nhận được…

Hay như cử tri Nguyễn Thị Thúy Lan (phường Bình Khánh) nói rằng khi bà đi khiếu nại thì có cán bộ khuyên bà nên rút đơn với lý lẽ: ‘coi như chị xui đi’, ‘xem như cầm mấy chục cây vàng ra đường bị giật mất đi’…

Ngoài những uất ức dồn nén nhiều năm, cử tri, người dân Thủ Thiêm đồng thời cũng yêu cầu thành phố cần kiên quyết xử lý trách nhiệm của những cá nhân liên quan gây ra sai phạm tại dự án này.

Theo kết luận thanh tra, quá trình triển khai quy hoạch dự án có sai phạm khi đưa 4,3 ha đất nằm ngoài ranh quy hoạch vào quy hoạch rồi buộc người dân phải di dời, có 321 hộ dân trong khu 4,3 ha này.

Trong một buổi đối thoại cùng người dân quận 2, Chỉ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã thẳng thắn nói lời xin lỗi: "Thay mặt lãnh đạo thành phố trong các thời kỳ, tận đáy lòng mình tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm về những sai sót, hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm. Tôi rất xin lỗi!". Trước đó, UBND TP HCM cũng nhận trách nhiệm vì đã không thực hiện đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và xin lỗi người dân.

Đến nay, UBND TP HCM cho biết, cuối năm 2018 sẽ trình phương án cuối cùng về chính sách đền bù, hỗ trợ tái định cư cho người dân tại Thủ Thiêm để HĐND TP xem xét thông qua. Giải pháp bồi thường hỗ trợ mà lãnh đạo thành phố đề xuất trước đó là hoán đổi đất ngang giá trị, cùng mục đích.

Xem thêm

Hiếu Quân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.