|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhìn cách VPS độc chiếm thị trường phái sinh nghèo nàn sản phẩm và là sân chơi ưa chuộng của cá nhân trong nước

19:01 | 15/05/2022
Chia sẻ
Cứ mỗi phen lao dốc của thị trường, nhà đầu tư lại lao đi tìm những tác nhân gây tiêu cực cho chỉ số. Lần này giới đầu tư đổ dồn mọi ánh nhìn vào khuyến nghị Bán (Short) hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ Chứng khoán VPS. Đây là đơn vị dẫn đầu về thị phần môi giới thị trường tương lai và cơ sở tại Việt Nam.

Thị trường phái sinh: Hơn 4 năm duy nhất một loại hợp đồng, giao dịch nhộn nhịp mỗi khi cơ sở lao đao

Nói qua về quá trình phát triển, phải mất 6 năm kể từ khi Thủ tướng ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 252/2012), thị trường chứng khoán phái sinh đi vào vận hành với phiên giao dịch phái sinh đầu tiên ngày 10/8/2017.

Sau khoảng 4,5 năm, hợp đồng tương lai duy nhất được áp dụng đối với chỉ số VN30. Không ít lần lãnh đạo ngành chứng khoán từng đề cập đến việc đa dạng sản phẩm mở sang các chỉ số như VN50, VN100. Những thay đổi về chính sách trên thị trường phái sinh là không lớn ngoài việc nâng tỷ lệ ký quỹ giao dịch phái sinh từ 10% lên 13% vào tháng 7/2018.

Lượng công ty chứng khoán thành viên giao dịch phái sinh tăng lên đáng kể, gấp nhiều lần con số 7 công ty ban đầu. Số tài khoản giao dịch phái sinh cũng tăng mạnh, tại thời điểm cuối tháng 4/2022 là 973.155 tài khoản. Nhưng trong 2 năm gần đây, câu chuyện giao dịch phái sinh không còn quá “mốt” với các công ty chứng khoán.

Còn với nhà đầu tư cá nhân đặc biệt là nhóm trong nước, giao dịch phái sinh thực sự nhộn nhịp khi thị trường điều chỉnh, biến động mạnh. Đơn cử như trong tháng 7/2021, thị trường phái sinh ghi nhận khối lượng giao dịch gần 6,3 triệu hợp đồng với tổng giá trị 912.527 tỷ đồng.

Khi thị trường cơ sở hấp dẫn, dòng tiền tập trung giao dịch cổ phiếu khiến giao dịch phái sinh trở nên ảm đạm. Trong tháng 4/2022, giao dịch phái sinh nhộp nhịp trở lại đẩy thanh khoản tăng gần 57% so với tháng trước đó.

Quan điểm nhiều người, giao dịch phái sinh với đòn bẩy cao, tiềm chứa nhiều rủi ro “cháy tài khoản”. Những phiên co giật giảm sâu tăng sốc trong ngày đáo hạn phái sinh khiến nhà đầu tư, trong đó có lớp mới F0 hoài nghi “dấu hiệu thao túng” nhưng dẫu sao thị trường cũng đã chấp nhận nhiều năm qua và không ai biết gốc rễ từ đâu.

Mới đây, UBCKNN đã họp bàn với các sở, VSD, CTCK về việc thay đổi thời gian tính giá phiên đáo hạn phái sinh. Song, thời điểm áp dụng cụ thể chính sách trên chưa được công bố.

Cùng với hiện tượng trên, phát triển thị trường phái sinh tại Việt Nam còn nhiều dấu hỏi đơn cử lượng tham gia của tổ chức, khối ngoại, sử dụng như một công cụ phòng vệ rủi ro còn rất thấp.

Hành trình chiếm lĩnh thị phần phái sinh của VPS

Trở lại câu chuyện, biến động mạnh phần nào giải thích việc nhiều CTCK không mấy mặn mà phát triển giao dịch phái sinh. Một lãnh đạo CTCK Top đầu từng chia sẻ không chiến lược thúc đẩy giao dịch phái sinh bởi những rủi ro mà nhà đầu cá nhân của công ty phải đối mặt là rất lớn. Phần khác có lẽ bởi “miếng bánh” thị phần môi giới phái sinh đã nằm trọn trong tay những “ông lớn”.

Trong câu chuyện phát triển thị trường phái sinh, không thể không nhắc đến Chứng khoán VPS. Đơn vị này rất thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần phái sinh bằng chiến lược miễn phí giao dịch. Sau đó, VPS đánh chiếm thị phần từ phái sinh qua giao dịch chứng khoán cơ sở.

Khi khai sinh thị trường phái sinh, VPS bắt đầu với cái tên là Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank Securities). Năm 2017, thị phần của VPS vỏn vẹn 3,63%, thấp hơn đáng kể so với các CTCK trong ngành như SSI, VNDirect, HSC. Ba quý đầu của năm 2018, thị phần giao dịch phái sinh của VPS luôn đạt dưới 10%, chỉ bằng 1/3 hay 1/4 các đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng.

 Thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán phái sinh của VPS. Ảnh: Hoàng Linh tổng hợp.

Sự thay đổi rõ nét nhất với VPS diễn ra vào quý IV/2018 khi thị phần nhảy vọt lên 21,79%, vươn lên dẫn đầu thị trường. Nhưng xét tổng thể cả năm 2018, thị phần của VPS chỉ đạt 13,61%, trong khi VNDirect dẫn đầu với 23,92%.

Sang năm 2019, khi Thông tư 128/2018 của Bộ Tài chính có hiệu lực, không áp dụng mức phí môi giới tối thiểu tại thị trường phái sinh, VPS tận dụng và chiếm lĩnh thành công thị trường môi giới phái sinh với thị phần áp đảo.

Kể từ quý II/2019, thị phần của VPS thường trên mức 50%. Từ quý II/2020, Chứng khoán HSC thay thế VNDirect về ngôi vị á quân môi giới phái sinh nhưng so với thị phần của VPS thì mức thị phần vẫn còn thua xa. Gần đây nhất vào quý I/2022, thị phần môi giới phái sinh của VPS là 53,84% trong khi HSC đứng thứ hai với 13,4%.

Tuy nhiên, theo dõi hoạt động phát triển thị phần của VPS thấy một điểm đặc biệt đó là việc duy trì tỷ lệ một cách “đều chằn chặn”. Đột biến trong quý IV/2019, thị phần môi giới phái sinh của VPS tiến lên ngưỡng cao nhất là 59,57%. Những quý còn lại, thị phần của VPS trên thị trường phái sinh dao động trong khung 53 - 57% bất chấp việc nhà đầu tư giao dịch sôi động hay ảm đạm.

Lợi Hoàng