|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn cách Anh và Singapore thu phí nội đô, đề xuất lập 87 trạm thu phí của Hà Nội liệu có khả thi?

15:00 | 30/10/2021
Chia sẻ
Nhằm hạn chế lượng xe vào nội đô, giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm không khí, Singapore và Anh đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc thu phí phương tiện vào trung tâm. Sau thời gian áp dụng, phương pháp này đã đem lại nhiều hiệu quả bất ngờ.

Nước Anh bắt đầu thu phí xe vào trung tâm London từ năm 2003

Phí chống ùn tắc giao thông (the Congestion Charge) là khoản phí tính theo ngày được áp dụng đối với các phương tiện di chuyển vào trung tâm thủ đô London, Anh. Trước đây, mỗi tài xế khi di chuyển vào trung tâm London phải trả 16 USD/ngày, áp dụng cho khung giờ từ 6 - 19h các ngày trong tuần, trừ thứ 7 và Chủ nhật. 

Từ tháng 6/2020, mức phí này đã tăng lên 20 USD, áp dụng từ 7 - 22h tất cả các ngày, trừ ngày lễ như Giáng sinh, Thứ sáu Tuần Thánh,...

Nếu không thanh toán phí chống ùn tắc trong thời gian quy định (tối đa 3 ngày sau khi lái xe tới khu vực), tài xế sẽ phải chịu khoản tiền phạt lên tới gần 220 USD, nhưng sẽ được giảm 50% nếu thanh toán trong vòng 14 ngày.

Từ việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí, nhìn lại bài học thu phí chống tắc nghẽn tại Anh và Singapore - Ảnh 1.

Khu vực thu phí chống ùn tắc ở Trung tâm London. (Nguồn: Cục Vận tải London).

Việc định giá tắc nghẽn giao thông (Congestion pricing) lần đầu được nhắc tới tại chương trình nghị sự ở London vào năm 1964. Sau đó, vấn đề này đã được Đại Hội đồng London thông qua việc đề xuất, nghiên cứu sơ bộ từ 1965. Đồng thời, một nghiên cứu chi tiết tiếp theo vào năm 1973 đã kết luận rằng việc định giá tắc nghẽn ở trung tâm London sẽ cải thiện giao thông, môi trường và tăng doanh thu. 

Đến năm 1995, một chương trình nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận nền kinh tế của London sẽ được hưởng lợi từ việc định giá tắc nghẽn trên. Tuy nhiên, tại thời điểm này việc áp dụng định giá tắc nghẽn vẫn không được thông qua do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Cho đến năm 1999, khi một đạo luật được thông qua, cho phép London được đưa ra các mức phí sử dụng đường bộ. Chương trình thu phí phương tiện vào nội đô mới chính thức bắt đầu từ tháng 2/2003 trên một diện tích hơn 20km2. 

Đây là khu vực kinh doanh trung tâm lúc nào cũng bị tắc xe nặng nề. Khu vực thu phí chỉ chiếm chưa đầy 1,5% tổng diện tích Greater London (Đại London, có 7 triệu dân sinh sống).

Sau đó, khu vực thu phí được mở rộng ra phía Tây, bao gồm thêm 20 km2 nữa gồm Westminster, Kensington và Chelsea. Khi áp dụng thu phí, chính quyền thành phố thực hiện luôn cả việc tăng 40% công suất chuyên chở khách của xe buýt và tàu hỏa.

Theo tờ The Conversation, vào năm 2006, tức sau 3 năm áp dụng, báo cáo của Cục vận tải London cho thấy rằng lưu lượng giao thông vào thành phố đã giảm 15%, tình trạng tắc nghẽn khi lưu không phương tiện giảm 30%. 

Hiệu ứng này vẫn đang tiếp tục được cải thiện cho đến nay. Lưu lượng giao thông trong khu vực áp dụng thu phú ùn tắc đã thấp hơn gần 1/4 so với một thập kỷ trước, tạo không gian cho người đi xe đạp và đi bộ.

Từ việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí, nhìn lại bài học thu phí chống tắc nghẽn tại Anh và Singapore - Ảnh 2.

Các biển báo khu vực yêu cầu thu phí chống ùn tắc giao thông tại London. (Ảnh: AP).

Những phương tiện được miễn phí, hoặc giảm phí gồm xe của cư dân sống trong khu vực thu phí (giảm 90%). Xe bus, taxi, xe cấp cứu, xe máy được miễn.

Theo quy định trước đó, các tài xế xe điện hay xe hybrid có mức phát thải khí CO2 không quá 75 g/km, và có phạm vi lái xe hoàn toàn bằng điện tối thiểu hơn 32 km cũng được chiết khấu 100% phí vào nội đô. 

Tuy nhiên từ ngày 25/10, chỉ những xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ hydro mới đủ điều kiện được miễn phí. Từ tháng 10/2025, xe điện cũng sẽ bị loại khỏi danh sách miễn giảm phí vào nội đô.

Việc thanh toán phí được dựa trên công nghệ nhân dạng biển số xe tự động, trong đó camera sẽ quét các xe đi vào vùng thu phí và tự động tính phí cho lái xe.

Bên cạnh London, thành phố Birmingham đã trở thành nơi đầu tiên ở Anh thiết lập vùng không khí sạch (CAZ) để thu phí ô tô cá nhân di chuyển vào nội đô. 

Kể từ ngày 1/6, những ôtô cũ gây ô nhiễm, taxi, xe tải đi vào trung tâm thành phố sẽ bị thu phí hơn 10 USD, trong khi xe buýt, xe khách và xe chở hàng trọng tải lớn bị tính phí gần 70 USD. Ước tính 1/4 số ô tô trong thành phố sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này.

Theo tờ The Conversation, phí chống ùn tắc của nước này thành công vì hai lý do chính: Thứ nhất, chương trình này có một tiền đề rõ ràng và thuyết phục, mà quan trọng nhất trong đó là nỗ lực sắp xếp và quản lý các phương tiện lưu thông một cách hợp lý hơn trong thành phố.

Thứ hai, chương trình thu phí này mang đến hai lợi ích chính: Làm giảm lưu lượng giao thông trong trung tâm thành phố và tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư vào việc cải thiện các dịch vụ vận tải công cộng. 

Vào ngày phí chống ùn tắc được giới thiệu tại London, đã có thêm 300 xe buýt mới được triển khai như một giải pháp thay thế cho người lái xe không muốn mất phí cũng như ngăn chặn tình trạng lộn xộn có thể xảy ra.

Một năm sau, các nhà chức trách ghi nhận số lượng hành khách đi vào trung tâm thu phí của thành phố tăng đột biến lên tới 29.000 người trong giờ cao điểm buổi sáng. Từ năm 2002 đến năm 2014 , số lượng xe ô tô đi vào khu vực này cũng giảm 39%.

Singapore đi bước tiên phong từ năm 1998

Trong khi đó, tại một quốc gia châu Á, để kể soát lượng xe lưu thông, Singapore đã sử dụng hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP) để kiểm soát lưu lượng đi lại giờ cao điểm, đặc biệt ở các khu trung tâm.

Theo nghiên cứu của Cục Quản lý đường cao tốc liên bang Mỹ, Singapore đã áp dụng thu phí phương tiện vào nội thành từ năm 1998 tới nay. 

Từ việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí, nhìn lại bài học thu phí chống tắc nghẽn tại Anh và Singapore - Ảnh 3.

Hệ thống thu phí đường bộ điện tử - ERP tại Singapore. (Ảnh: The Strait Times).

Trước đó, trong giai đoạn từ năm 1995 tới 1997, Singapore thử nghiệm hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP), theo đó tùy thời điểm trong ngày, địa điểm và loại phương tiện mà chủ xe phải đóng các mức phí khác nhau khi vào khu vực trung tâm bị áp phí và tại ba điểm dọc ba tuyến đường cao tốc. Sau đó, toàn bộ các tuyến đường cao tốc đều có nhiều điểm thu phí hơn.

Tới năm 1998, hệ thống ERP đã được áp dụng tự động hoàn toàn và thu phí điện tử tại hơn 50 điểm khắp thành phố, gồm những điểm trong khu vực kinh doanh trung tâm hoặc dọc các tuyến đường cao tốc chính có mật độ xe cộ lưu thông cao. Giờ hoạt động của ERP là từ 7h - 19h từ thứ 2 đến thứ 6.

Cơ quan điều hành hệ thống ERP tiếp tục mở rộng số điểm tính phí khi điều kiện giao thông phát triển hơn. Trong năm 2017, mức phí là từ 0 - 2 USD cho mỗi một xe đi qua một điểm thu phí. Trên đường cao tốc, phí được thu vào ngày trong tuần từ 7h - 9h30 sáng với mức từ 0 - 4 USD. Một số con phố chính được tính phí vào ngày thường từ 7h - 9h30 sáng với mức từ 0 đến 0,8 USD.

Từ việc Hà Nội lập 87 trạm thu phí, nhìn lại bài học thu phí chống tắc nghẽn tại Anh và Singapore - Ảnh 4.

Hệ thống tiếp sóng - “In Vehicle Unit – IU" được Singapore sử dụng trong việc thu phí xe vào nội đô.(Ảnh: The Strait Times).

Bên cạnh đó, bất kỳ xe nào đi qua khu vực tính phí đều phải có một chức năng gọi là “In Vehicle Unit – IU” (hệ thống tiếp sóng) lắp trên bảng đồng hồ với một thẻ thông minh có sẵn tiền trong IU. Các IU có hiển thị hình ảnh và tín hiệu âm thanh để thông báo cho tài xế về khoản tiền bị trừ hoặc số dư. Thẻ này do ngân hàng phát hành và có thể nạp tiền tại ngân hàng hoặc ATM. 

Hành vi vi phạm và lỗi hoạt động cũng sẽ bị phát hiện tại địa điểm thu phí. Khi đó, camera được kích hoạt để chụp ảnh biển số xe để gửi thông báo vi phạm qua thư. Xe không có IU bị phạt 50 USD và xe không đủ tiền trong thẻ bị phạt 6 USD một lần. 

Công nghệ này có thể xác định và tính phí khi xe chạy tốc độ lên tới 120km/h, không cần trạm thu phí, không cần làn hạn chế, không cần giảm tốc. Mỗi ngày có khoảng 300.000 giao dịch thu phí như vậy. 

Hệ thống này khiến nhiều người chuyển sang dùng xe buýt, thay đổi thời gian đi lại hoặc chuyển tuyến đường khác. Tắc nghẽn giao thông trong khu vực hạn chế gần như không còn. Từ năm 1998 tới nay, lượt xe vào khu vực hạn chế giảm 21% mỗi ngày.

Hà Nội đang nghiên cứu đặt 87 trạm thu phí để hạn chế ô tô vào khu vực nội đô. Theo đề xuất, ranh giới khu vực thu phí được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3. Chu vi khu vực thu phí khoảng 51km, diện tích khoảng 150 km2.

Để thu phí phương tiện đi ô tô đi vào khu vực trên, dự kiến sẽ có 68 vị trí với 87 trạm thu phí được đặt. Trong đó triển khai làm 3 giai đoạn, đầu tư thí điểm 15 trạm ở giai đoạn 1; 59 trạm tại giai đoạn tiếp theo và hoàn thiện 13 trạm còn lại trong thời gian còn lại.

Việc thu phí sẽ áp dụng công nghệ không dừng (ETC), kết hợp công nghệ thu phí với hệ thống camera giám sát tại các trạm. Thời gian đề xuất thu phí xe ô tô vào nội thành thuộc khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, việc thu phí để vào một khu vực hạn chế nào đó đã được áp dụng ở một số quốc gia như Anh, Singapore và đạt hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi khi áp dụng tại Hà Nội và cho rằng, nếu lấy "vùng thu phí" là vành đai 3 trở vào thì chưa hợp lý bởi lẽ phạm vi quá rộng. Trong khi khu vực thường xuyên ùn tắc giao thông lại không chỉ riêng trong vành đai 3.

"Các cơ quan tư vấn cần có đánh giá hợp lý trước khi thực hiện. Có thể thí điểm trong 1 khu vực nhỏ như 1-2 quận, nếu khả thi thì mở rộng quy mô ra và phải theo lộ trình cụ thể chứ không nên áp việc thu phí một cách tuỳ tiện khi chưa có nghiên cứu, thí điểm", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu ý kiến.

Phương Trang