|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ việc Hà Nội muốn thu phí nội đô, nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô: Mới có xe buýt, đường sắt đô thị chưa tuyến nào chạy

11:24 | 01/11/2021
Chia sẻ
Từ việc Hà Nội đề xuất thu phí nội đô, nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô thì mới có hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị chưa có tuyến nào vận hành và nhiều tuyến có thời gian hoàn thành khá xa - sau năm 2030.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang nghiên cứu Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND thành phố vào cuối tháng 10. Đề án do đơn vị tư vấn Đại học Giao thông Vận tải xây dựng, đề xuất lập 87 trạm thu phí ở vành đai 3, hoạt động từ 5h đến 21h hàng ngày; dự kiến thu phí ôtô vào trung tâm thành phố từ năm 2025.

Có thể hiểu với đề xuất này, Hà Nội muốn giảm phương tiện cá nhân. Trước đó hồi năm 2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.

Nếu đề xuất này được thông qua, nhiều người có thể phải lựa chọn phương tiện công cộng để đi vào nội đô. Tuy nhiên, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội mới có xe buýt, các tuyến đường sắt đô thị đã được phê duyệt quy hoạch nhưng vẫn chưa có tuyến nào chính thức chạy thương mại, nhiều tuyến có thời gian dự kiến hoàn thành khá xa - sau năm 2030.

Từ việc Hà Nội muốn thu phí nội đô, nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô: Mới có xe buýt, đường sắt đô thị chưa tuyến nào chạy - Ảnh 1.

Quy hoạch 9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội. (Đồ họa: Alex Chu).

Hai tuyến có khả năng chạy trong tương lai gần vẫn vướng nhiều vấn đề

Trong 9 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội có duy nhất tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành sau gần 10 năm khởi công (khởi công vào tháng 10/2011).

Tuyến dài gần 14 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình: Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-ĐH Quốc gia-vành đai 3-Thanh Xuân-Bến xe Hà Đông-trung tâm Hà Đông-La Khê-Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông).

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt  là: 18.001 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), tăng hơn 9.200 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Hồi cuối tháng 4, Tư vấn Pháp ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống. Đến ngày 29/10 vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng kiểm tra Nhà nước, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Chủ tịch Hội đồng - thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình có điều kiện của chủ đầu tư để đưa công trình đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông vào khai thác giai đoạn đầu.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị lưu ý chủ đầu tư là Bộ GTVT phải phối hợp chặt chẽ với UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra hệ thống thiết bị phục vụ vận hành trước khi bàn giao đưa vào khai thác; rà soát các điều kiện vận hành và phương án xử lý tình huống có thể phát sinh, nhất là các phát hiện đã được Tư vấn ACT khuyến cáo.

Trong quá trình vận hành, Hanoi Metro có trách nhiệm hướng dẫn để người dân làm quen với loại hình giao thông mới nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả dự án.

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Hanoi Metro cho biết đơn vị đã sẵn sàng tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị cũng đã báo cáo UBND thành phố về kế hoạch khai thác trong giai đoạn đầu vận hành của dự án.

Việc dự án được Hội đồng chấp thuận kết quả nghiệm thu đánh dấu giai đoạn mới của dự án, dù vậy vẫn chưa rõ cụ thể ngày vận hành của tuyến đường sắt này.

Từ việc Hà Nội muốn thu phí nội đô, nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô: Mới có xe buýt, đường sắt đô thị chưa tuyến nào chạy - Ảnh 2.

Chạy thử vận hành đoàn tàu Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao hồi tháng 9. (Ảnh: Vietnam+).

Một tuyến đường sắt đô thị khác sắp hoàn thành của Hà Nội là tuyến Nhổn – ga Hà Nội, dự kiến vận hành vào cuối năm 2022.

Dự án khởi công từ tháng 9/2010, dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Hà Nội đặt mục tiêu đưa đoạn trên cao khoảng 8,5 km từ Depot Nhổn đến nhà ga S8 (Đại học Giao thông Vận tải) vào hoạt động cuối năm 2021. Tuy nhiên, MRB cho hay, do những khó khăn khách quan của dịch COVID-19, đoạn trên cao của tuyến đường sắt này không kịp đưa vào khai thác theo dự kiến.

Tiến độ chung Metro Nhổn - ga Hà Nội đạt khoảng 74%, tuy nhiên dự án đang dừng thi công ga ngầm.

Trước đó báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai 6 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM, Chính phủ nêu một số vướng mắc tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, trong đó có việc nhà thầu đòi bồi thường.

Cụ thể, do chậm trễ giải phóng mặt bằng và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm nên nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella (HGU) đã yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD. HGU đề nghị chấp thuận thanh toán, nếu không sẽ không thể tiếp tục công việc và tiến hành thủ tục khiếu nại lên trọng tài quốc tế.

Từ việc Hà Nội muốn thu phí nội đô, nhìn lại hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô: Mới có xe buýt, đường sắt đô thị chưa tuyến nào chạy - Ảnh 3.

Chạy thử tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông hồi tháng 12/2020. (Ảnh: Báo Nhân dân).

Nhiều tuyến lùi thời gian khởi công và hoàn thành

Ngoài hai tuyến đường sắt có hy vọng chạy thương mại trong tương lai gần, Hà Nội còn nhiều tuyến khác chưa được triển khai và dự kiến thời gian hoàn thành cũng khá lâu. Tuyến số 5 dự kiến hoàn thành sau năm 2025, tuyến số 4, 6, 7, 8 đều sau năm 2030.

Báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM cũng nêu rõ các lý do chậm tiến độ triển khai các tuyến đường sắt. Đáng chú ý nhất là tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên giai đoạn 1 sau 15 năm được phê duyệt vẫn chưa khởi công.

Cụ thể, tuyến này được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định ngày 31/10/2008, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến năm 2017. Đén tháng 4/2017, dự án được phê duyệt điều chỉnh với dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024.

Nói về lý do chậm trễ triển khai, báo cáo của Chính phủ cho biết với việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng) còn nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, đây là dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, còn có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ GTVT hay UBND TP Hà Nội nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; làm rõ cơ chế tài chính của dự án (nhất là cơ quan vay lại) để hạn chế các vướng mắc theo quy định; làm rõ khả năng giải ngân của Hiệp định vay; xem xét điều chỉnh công năng các ga đường sắt trong khu đầu mối TP Hà Nội…

Hiện nay, theo kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất đường sắt quốc gia sẽ không đi vào khu vực trung tâm TP Hà Nội, phía Nam sẽ dừng tại Ngọc Hồi, phía Bắc dừng tại Yên Viên và tuyến đường sắt đô thị số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên chỉ đáp ứng công năng đường sắt đô thị.

Nội dung quy hoạch nêu trên đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau khi quy hoạch được duyệt, Thủ tướng sẽ chỉ đạo Bộ GTVT bàn giao dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP Hà Nội để tiếp tục triển khai.

Một tuyến khác cũng lùi thời gian khởi công là tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Tuyến này có tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 11,5 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km) và một khu Depot. Trước đó dự án có thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến là vào năm 2027.

Anh Đào