Nhiều tài xế tố hãng taxi VIC gây khó dễ, bắt đóng VAT hai lần để lấy lại xe
Chiều 10/2, hàng trăm tài xế hãng taxi VIC tập trung tại trụ sở công ty để phản đối, đòi lại quyền lợi. Theo người đại diện tài xế, Công ty CP Phát triển Thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao, chủ thương hiệu taxi VIC, đã không thực hiện cam kết ban đầu giữa hai bên.
Các tài xế dán băng rôn, khẩu ngữ trực tiếp lên xe, khiến một phần phố Đội Cấn ùn tắc trong chiều 10/2.
Khi tài xế bắt đầu làm việc tại hãng taxi VIC, họ sẽ bỏ tiền mua xe thông qua việc ủy quyền cho trung gian là Công ty CP Phát triển Thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao. Việc mua xe thông qua trung gian giúp tài xế có thể mua với mức giá thấp hơn so với giá thị trường là 80-100 triệu đồng.
Dù tài xế trực tiếp mua xe nhưng trên giấy tờ, công ty chủ quản của hãng taxi VIC mới là chủ sở hữu xe.
Sau khi mua, tài xế kí vào một bản hợp đồng lao động có thời hạn 4 năm và tài xế có thể lấy xe khi hết thời hạn hợp đồng.
"Nhiều người đã hết hời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa thể lấy xe. Công ty yêu cầu phải đóng thêm 10% thuế VAT trên giá trị hiện tại của xe mới có thể lấy xe, dù chúng tôi đã bỏ tiền mua và đóng 10% lúc mua xe", anh Đức, một tài xế tới trụ sở chiều 10/2, chia sẻ.
Đa số dòng xe mà tài xế kí hợp đồng ủy quyền mua với Công ty CP Phát triển Thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao là Hyundai Grand i10, với mức giá khoảng 500 triệu đồng. Trên thị trường xe cũ, Hyundai Grand i10 đã hoạt động 4 năm có giá dao động 270 - 300 triệu đồng.
Như vậy, các tài xế muốn lấy xe phải nộp lại công ty mức phí hàng chục triệu đồng tiền VAT dù đã nộp một lần VAT khi mua xe trước đó.
Không chỉ "nhập nhằng" trong chuyện thuế VAT, nhiều tài xế còn tố công ty giữ hợp đồng gốc và không trả lại chủ xe. Nội dung trong bản hợp đồng gốc ghi "hợp đồng này có hiệu lực từ ngày kí, được lập thành 3 bản, bên A (công ty) giữ 2 bản và bên B (tài xế giữ 1 bán, có giá trị pháp lí như nhau".
Tuy nhiên, nhiều tài xế cho hay họ không giữ bản hợp đồng.
Nhóm cộng đồng cá tài xế taxi VIC đã đăng những bài viết kêu gọi tài xế đoàn kết cùng lên trụ sở công ty đòi lại quyền lợi.
Bài viết nói rõ nguyện vọng của tài xế là yêu cầu công ty trả lại hợp đồng ủy quyền cho chủ xe và giảm mức thuế VAT xuống để tạo điều kiện cho những anh em tài xế không muốn tiếp tục làm việc cho VIC sau khi hết hợp đồng.
Về lí do tài xế không muốn tiếp tục gắn bó với công ty, một số ý kiến của tài xế cho rằng thời gian gần đây, sức cạnh tranh của taxi truyền thống đã giảm so với các hãng gọi xe công nghệ.