|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều rủi ro khi lạm dụng chức năng 'cho vay tiêu dùng'

07:53 | 25/09/2019
Chia sẻ
Cơ chế kiểm soát chưa chặt chẽ khiến việc lợi dụng 'cho vay tiêu dùng' và mở rộng giao dịch thông qua các 'chân rết', các ứng dụng len lỏi đến mọi ngóc ngách của đời sống và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều rủi ro khi lạm dụng chức năng 'cho vay tiêu dùng' - Ảnh 1.

Các công ty tài chính lạm dụng thực hiện chức năng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đẩy người vay vào những rủi ro khó lường. Ảnh: TTXVN

Với việc trao quyền cho các công ty tài chính (hình thức tín dụng phi ngân hàng) cho vay tiêu dùng, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, các nhà làm luật đã định vị hình thức cho vay này có những khác biệt so với cho vay trong dân sự và của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên chính sự phân bổ bất hợp lý, thiếu cơ chế kiểm soát, quy định này tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân (ngoài ngân hàng) “chạy đua” cùng với các công ty tài chính lạm dụng thực hiện chức năng cho vay tiêu dùng với lãi suất cao, đẩy người vay vào những rủi ro khó lường.

Khảo sát của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức 40-50%, cá biệt lên đến 85%/năm. Mức lãi thể hiện qua phán quyết của tòa án có trường hợp là 72,72%/năm. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay tài sản dân sự theo luật là 20%/năm (Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015).

Cho vay tiêu dùng (consumer loan) được các nước theo hệ thống luật thành văn đưa vào luật dân sự, bên cạnh khoản vay tài sản khác, đồng thời ấn định trần lãi suất để bảo vệ quyền lợi người vay. Ví dụ như tại Đức, trần lãi suất cho vay tiêu dùng là 8%/năm, Thái Lan là 15%/năm... Vì vậy, quy định theo luật Việt Nam hiện nay không tránh khỏi những quan ngại, thực tế đã nảy sinh sự bất hợp lý về lãi suất. Bên cạnh đó cách tính lãi qua các mẫu hợp đồng do chính họ (công ty tài chính) phát hành bất lợi cho bên vay.

Khảo sát của ngành ngân hàng, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính phổ biến ở mức 40-50%, cá biệt lên đến 85%/năm. Mức lãi thể hiện qua phán quyết của tòa án có trường hợp là 72,72%/năm. Trong khi đó, trần lãi suất cho vay tài sản dân sự theo luật là 20%/năm (Điều 468 Bộ luật Dân sự  2015).

Thực tế này tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân tự đứng ra tổ chức các hoạt động cho vay tiêu dùng tương tự như các công ty tài chính bởi họ cho rằng đây cũng là giao dịch dân sự, sẽ không bị sai phạm. Qua đó, đẩy họ vào những rủi ro, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cho vay nặng lãi (nếu lãi suất cao gấp 5 lần quy định và thu lợi trên 30.000.000 đồng, theo Điều 201, Bộ luật Hình sự 2015). Trong khi đó, cũng hành vi tương tự, các công ty tài chính thì không chịu trách nhiệm này (do đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không ấn định trần lãi suất cho vay tiêu dùng).

Trên lý thuyết, cho vay tiêu dùng nhiều rủi ro, nên lãi suất thường cao hơn các khoản vay có mục đích khác. Các nghiên cứu gần đây tại Việt Nam cũng so sánh với một số nước. Tuy nhiên, cần đặt quan hệ này dựa trên lẽ công bằng trong đó lãi suất cũng là nhân tố tạo sự công bằng đó.

Tại hệ thống luật của các nước, quan hệ cho vay tiêu dùng, người vay với tư cách là bên yếu thế. Như vậy quyền lợi bình đẳng được đề cao thông qua các quy định đề cao trách nhiệm của bên cho vay.  Trong khi đó, tại Việt Nam, các công ty tài chính chủ động đưa chi phí, rủi ro vào tiền lãi, tự áp mức lãi và được phép chuyển nợ quá hạn (150% lãi suất trong hạn) cho đến khi trả hết nợ, tạo áp lực tối đa lên người vay.

Với nhận thức cho vay tiêu dùng thiếu bình đẳng giữa các khoản cho vay dân sự vốn dĩ có cùng lợi ích, đó là nhân tố dẫn đến việc lạm dụng chức năng này để hưởng lợi. Quy định như hiện nay đẩy người vay đối diện với những rủi ro tiềm ẩn, mất khả năng hoàn trả (tiền vay và các khoản phí, lãi, bồi thường…). Trong khi đó, các cá nhân, tổ chức (ngoài ngân hàng) nhận thức không đúng về chức năng cho vay tiêu dùng có thể đối mặt trách nhiệm hình sự.

Nhìn chung, việc lợi dụng “cho vay tiêu dùng” và mở rộng giao dịch thông qua các “chân rết”, các ứng dụng (app) len lỏi đến mọi ngóc ngách của đời sống và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan pháp luật cần khẩn trương can thiệp, xử lý nghiêm khắc. Đối với các công ty tài chính, ngành ngân hàng cần làm rõ các vị thế, bằng việc cân bằng quyền lợi hợp đồng giữa bên cho vay và bên vay yếu thế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đồng thời cần có giải pháp, nâng cao trách nhiệm của các công ty tài chính chia sẻ rủi ro với người vay. Ngoài ra, hạn chế thời gian và mức lãi khi bị chuyển nợ quá hạn, xử nghiêm các hành vi tính lãi chồng lãi, không tính lãi theo dư nợ giảm dần… để bảo vệ các quyền lợi chính đáng cho người vay, vốn dĩ phần lớn là những người thu nhập thấp, người lao động yếu thế.

(*) Đoàn Luật sư TPHCM

Luật sư Lương Khải Ân